Gieo chữ giữa Biển Hồ

Nguyên Khánh 16/04/2017 08:00

Giữa hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á ở vùng Siem Reap, Campuchia, có một ngôi trường mang tên Trường tiểu học Việt Nam lênh đênh trên sóng nước, nơi hằng ngày hơn 300 em nhỏ tập đọc tập viết theo con nước vơi đầy. Ở đó có 5 thầy cô người Việt, không quản khó khăn, ngày ngày gieo chữ cho những mầm xanh những mong giúp đời sống của thế hệ mầm non nơi đây không gắn mãi với cái đói, cái nghèo như cha, ông chúng.

Các thầy cô giáo người Việt đang ngày ngày gieo chữ nơi miền sông nước Biển Hồ thắp nên những niềm hy vọng cho trẻ con nơi đây.

Lớp học giữa mênh mông sóng nước

Ai đã từng đến Biển Hồ (Tonle Sap) Campuchia, được chứng kiến phận người nổi nênh theo con nước thì mới thấm được hết nỗi cơ cực của những người tha phương. Cuộc sống của bà con hàng ngày diễn ra trên những chiếc xuồng bé tí, nổi nênh theo con nước. Họ sống bằng nghề đánh bắt cá, không nhà, không hộ khẩu.

Từ ngày chính quyền Campuchia biến Biển Hồ thành khu du lịch họ có thêm nghề phụ đó là buôn bán nhỏ. Khổ nhất vẫn là những đứa trẻ. Chúng gầy khô, nheo nhóc, đen nhẻm lang thang theo bố mẹ kiếm sống giữa dòng đời.

Có thêm nhiều vị khách du lịch đến Biển Hồ, trẻ con không chỉ phụ cha mẹ chèo thuyền, kéo lưới mà còn có thêm nghề phụ, đấm bóp, xách hàng thậm chí là xin ăn của du khách. Khoản tiền dù ít ỏi kiếm được cũng phụ bớt phần nào cho công cuộc mưu sinh của cả gia đình chúng. Cứ thế, tuổi thơ của lũ trẻ không phải đến trường, đến lớp mà lao vào cuộc mưu sinh cùng cha mẹ chúng mà nào có thoát được cái đói, cái nghèo.

Là một người dân Tây Ninh buôn muối từ Việt Nam qua Campuchia, nhiều lần ông Thái Văn Tư đến Biển Hồ. Nhìn thấy cảnh những đứa trẻ thất học đói khổ phải lang thang sóng nước, ông động lòng trắc ẩn nên bỏ việc buôn muối, đến Biển Hồ mở một lớp học dạy cho những đứa trẻ biết viết cái chữ của cha ông. Lúc đầu lớp lèo tèo vài học sinh vì cha mẹ chúng không thấy ích lợi của việc học chữ.

Ông Tư phải chèo thuyền đến từng hộ dân vận động con em họ tới lớp. Ấy vậy mà chẳng có mấy đứa đến, bởi chúng còn phải theo cha mẹ kiếm cái ăn, cái mặc hàng ngày.

Ông Tư nghĩ ra một phương cách để dụ bọn trẻ và cha mẹ chúng: nếu đi học sẽ được ông cho ăn sáng. Rồi khi vốn liếng vận động mạnh thường quân kha khá, ông biến lớp học thành “Trung tâm giáo dục từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo Biển Hồ” sau khi nâng dần lên mức: nuôi ăn ngày ba bữa.

Giờ thì, lớp học của ông Tư không còn tạm bợ trên chiếc thuyền con nữa, nó đã được kiên cố hóa bằng một ngôi trường vẫn có móng “thân thiện” với nước nhưng chắc chắn hơn bằng nguồn tài trợ của các mạnh thường quân trong nước những mong xóa nạn mù chữ, thắp sáng ước mơ cho con trẻ nơi đây.

Nuôi dưỡng những ước mơ xanh

Bây giờ, lớp học lèo tèo ngày nào đã có đến 314 đứa trẻ ở Biển Hồ theo học. Chúng ăn ngủ luôn tại trường và biết chào hỏi lịch sự những người đến trường thăm cũng như đóng góp gạo tiền nuôi chúng. Từng đứa một trong số trẻ này đã biết bày tỏ ước mơ như: lớn lên em sẽ làm cô giáo, em sẽ làm bác sĩ... chứ cuộc sống không còn đơn điệu như những ngày tháng chúng lầm lũi theo cha mẹ đánh bắt cá sống qua ngày trước đây.

Thầy Trần Văn Tú, Hiệu trưởng cho biết, trường chỉ có 5 giáo viên, đều tình nguyện từ Việt Nam sang đây. Xuất phát từ tình thương, trách nhiệm, các thầy cô đã gắn bó với con trẻ nơi đây. Công việc dạy học gặp nhiều khó khăn như thế nhưng các thầy giáo ở đây không có một khoản trợ cấp, thu nhập gì từ việc dạy học. Nhiều lúc các thầy còn phải chia sẻ cơm, áo cho lũ trẻ, lo cho các em từ cuốn sách giáo khoa đến cả vở, bút viết…

Thầy Nguyễn Minh Quân, người gắn bó 9 năm với ngôi trường cho biết, niềm vui của thầy là mong muốn trẻ em đến trường ngày một nhiều hơn. Bởi, vận động chúng đến trường học chữ cũng không dễ.

Thầy cho biết, ngay ở cổng trường treo bảng thông báo: “Tất cả các gia đình Việt Nam hiện đang sinh sống tại Biển Hồ, Vương Quốc Campuchia, các gia đình có con em từ 6 tuổi trở lên hãy đưa đến trường sẽ được Ban lãnh đạo nhà trường nhận nuôi dạy, các em được ăn ở tại trường miễn phí, giúp cho các em học hành để trở thành người tốt, giúp ích cho xã hội sau này, đừng để các em đi ăn xin trôi dạt bên ngoài”. Tấm biển kêu gọi trẻ em đến trường đã nói hộ tấm lòng của các thầy cô tình nguyện gieo chữ cho những đứa trẻ nghèo nơi đây.

Dù là học miễn phí, được nuôi ăn, ở nhưng không phải ai cũng đưa con tới trường. Thầy Quân cho biết, phần lớn các em đều là con các gia đình đông con và nghèo khó nên có em đã 14, 15 tuổi mới chỉ được học lớp 1, lớp 2. Bên cạnh đó, việc theo học thường xuyên cũng không dễ dàng.

Có lớp học có ngày tới hơn 10 em nghỉ học bởi nhiều lý do, nhưng phần lớn các em phải cùng gia đình lo chuyện mưu sinh. Đôi lúc, đang học, có đoàn tàu du lịch ngang qua, một số em lại bỏ lớp nhảy theo tàu kiếm sống. Nhiều gia đình cũng không tha thiết cho con em đi học vì cái chữ không thể thay cơm, thay cá ở giữa biển nước mênh mông này.

Dù vậy, bằng tấm lòng, tâm huyết của mình, các thầy cô vẫn ngày ngày gieo chữ trên vùng đất khó này. Trường Việt Nam đã và đang mở ra chân trời mới cho những học sinh người Việt tại Biển Hồ, giúp các em và gia đình hòa nhập tốt với cuộc sống của nước bạn và có cơ hội lên bờ, vươn lên thoát nghèo khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gieo chữ giữa Biển Hồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO