Rưng rưng quê nhà

Nam Anh 01/04/2018 07:00

Một buổi lễ mừng thọ đầu tiên vừa được Chùa Phật Tích Lào phối hợp với Chi hội That Luang - Hội Người Việt Nam tại thủ đô Vientiane tổ chức cho 74 cụ ông, cụ bà có độ tuổi từ 70 đến 94 tuổi. Buổi lễ thu hút rất đông các thế hệ con cháu và bà con kiều bào Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại thủ đô Vientiane, đến đây ai cũng rưng rưng như đang ở quê nhà Việt Nam vậy.

Rưng rưng quê nhà

Chùa Phật Tích (Viêng Chăn) kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung năm 2016.

Ngôi chùa Việt trên đất bạn Lào

Chùa Phật Tích tọa lạc tại đại lộ Naxay, một con phố rất đẹp ở trung tâm thủ đô Viêng Chăn trong một khuôn viên rộng hơn 1.000 m2, là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của đông đảo bà con người Việt xa xứ trên đất nước Triệu Voi. Chùa cũng là nơi là nơi quy tụ cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống tại Lào, cùng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống và hướng về Tổ quốc. Mỗi khi trong nước có thiệt hại do thiên tai, bão lũ, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhà chùa đều đứng ra tổ chức quyên góp, ủng hộ nhằm chung tay góp sức, chia sẻ khó khăn với đồng bào ở quê hương, Tổ quốc.

Cũng giống như nhiều ngôi chùa ở làng quê Việt, trước cổng chùa Phật Tích là cây Bồ Đề tỏa bóng rợp mát, theo lời Đại đức Thích Minh Quang, sư bà Thích nữ Diệu Thiện trước khi mất kể lại, cây Bồ Đề này là do một nhà sư Thái Lan có hạnh nguyện mang giống cây thiêng ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ về trồng ở các ngôi chùa linh thiêng trên đất Viêng Chăn. Thời đó, tuy chưa phải là ngôi chùa, nhưng khi đi qua mảnh đất này, nhà sư Thái Lan đã dừng chân và quyết định trồng cây bồ đề như một cơ duyên vậy.

Ni sư Diệu Thiện chính là người đã dành hết 43 năm trụ trì chùa để kết nối bà con người Việt sinh sống nơi đất khách quê người. Bà cũng là người đưa hai sư thầy Thích Minh Quang và Thích Minh Nguyệt sang Lào tiếp nối ni sư trụ trì chùa. Bà con người Việt thăm viếng ngôi chùa chia sẻ rằng, chỉ chạm chân tới sân chùa đã nhận ra những nét thân quen và đặc trưng như những ngôi chùa ở làng quê Việt. Theo nhà chùa thì toàn bộ tôn tượng, hoành phi, câu đối và bài trí các ban thờ đều do các thợ từ Việt Nam sang thực hiện nên không khác những ngôi chùa ở Việt Nam.

Hiện nay, ngoài kinh sách tiếng Việt, nhà chùa đã in kinh sách Bắc Tông sang chữ Lào để cho một số kiều bào có thể đối chiếu so sánh và cũng phục vụ cả một số gia đình gốc Lào – Việt thực hành nếp tín ngưỡng được thuận lợi bởi bao thế hệ bà con Việt kiều sinh sống trên đất Lào đã hòa mình vào cuộc sống của người dân sở tại. Mỗi dịp lễ tết, hay những ngày rằm, mùng một lên chùa Phật Tích, hương khói thoang thoảng trong không gian yên bình khiến lòng người xa xứ thấy bình yên hơn.

Ấm áp buổi lễ mừng thọ

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, trụ trì chùa Phật Tích, mục đích của buổi lễ là nhằm mang lại niềm vui cho các cụ cao niên, đề cao và tri ân những đóng góp của các cụ đối với xã hội cũng như gia đình, đồng thời tạo cơ hội để con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo, báo đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của các bậc cha mẹ. Đây cũng là dịp để các thế hệ con cháu Việt sống ở nước ngoài hiểu hơn về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam.

Rưng rưng quê nhà - 1

Ấm áp buổi lễ mừng thọ cho các cụ cao niên ở chùa Phật Tích. Ảnh: TTXVN.

74 cụ cao niên hôm ấy đều vận trang phục áo dài, khăn xếp màu đỏ. Các cụ không giấu được niềm vui và tự hào khi lên nhận Bằng chứng nhận và những lời chúc thọ từ Ban tổ chức, những bó hoa tươi thắm, quà tặng từ gia đình, con cháu và các tổ chức đoàn thể. Theo lời bà Đào Thị Vân, 78 tuổi, ở bản Thatluang (Thạt Luổng), thủ đô Vientiane thì bà cảm thấy xúc động, vinh dự và tự hào khi được tổ chức cho một lễ thượng thọ trang trọng như thế này. Bà cũng bày tỏ mong muốn Ban tổ chức tiếp tục tổ chức hoạt động này theo hình thức thường niên, bởi đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, không chỉ là dịp để con cháu tôn vinh công ơn dưỡng dục của cha mẹ, đem lại niềm vui và động lực sống cho những người cao tuổi, mà còn góp phần duy trì văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng trong buổi chiều hôm ấy, nhà chùa phối hợp với Chi hội Thạt Luổng - Hội Người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn tổ chức đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ và đồng bào qua các thời kỳ. Buổi lễ được tiến hành theo nghi lễ tôn giáo của cả Việt Nam và Lào, với sự tham gia cầu kinh của 18 vị sư trụ trì các chùa lớn tại Viêng Chăn.

Theo lời Thượng tọa Thích Minh Quang, chùa Phật Tích tổ chức lễ cầu siêu cho các chiến sĩ đã hy sinh vì lý tưởng cao đẹp của Tổ quốc, cho nền độc lập hòa bình của dân tộc, nhất là 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Lễ cầu siêu còn là dịp để tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời nhắc nhở các thế hệ sau luôn ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ đã ngã xuống để đem lại cuộc sống yên bình ngày nay.

Dự buổi lễ hôm đó, nhiều bà con Việt kiều đã bày tỏ mong muốn nhà chùa, Hội Người Việt tại Lào sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động có ý nghĩa tương tự trong tương lai nhằm quy tụ bà con, tăng ni, Phật tử có các hoạt động hướng về đất nước cũng như tăng cường tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống.

Hiện có khoảng 10 ngôi chùa thuần Việt trên đất nước Lào với nếp sinh hoạt tu tập theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Mặc dù sinh sống và làm việc tại Lào lâu năm nhưng bà con vẫn luôn nhớ về quê cha đất tổ của mình. Và những ngôi chùa Việt chính là biểu trưng tinh thần chung cho hình bóng quê hương, là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của đông đảo bà con người Việt xa xứ trên đất nước triệu voi, góp phần duy trì văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ở nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rưng rưng quê nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO