Tiếng Việt ân tình

Nguyên Khánh 24/04/2016 12:25

Với những người con đất Việt sống xa quê thường hiểu rất rõ hai tiếng cội nguồn. Nhưng cội nguồn là gì nếu các thế hệ thứ 2, thứ 3 không được sinh ra ở Việt Nam không biết tiếng Việt. Ý thức được điều này, đã có những ngôi trường dạy song ngữ ở nước ngoài ra đời với mong muốn các thế hệ người Việt dẫu không được sinh ra tại Việt Nam cũng không quên dòng máu chảy trong huyết quản của mình. 

Các bé ở trường song ngữ Hoa Mai đang dùng bữa trưa.

Gập ghềnh con đường gieo chữ

Sự khó nhọc của việc dạy chữ cho trẻ em vùng cao chắc ai cũng hình dung ra được. Nhưng với những thầy cô tình nguyện viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài thì con đường tiếng Việt cho những thế hệ người Việt không được sinh ra tại Việt Nam khó khăn hơn nhiều.

Tiến sỹ Đào Duy Tiến, một trong những thành viên sáng lập của Trung tâm văn hóa Văn Lang tại Ba Lan cho biết, quá nhiều cái khó trong việc dạy chữ ở xứ người. Bởi, có nhiều bậc cha mẹ phối hợp với trung tâm trong việc gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ sau để chúng không bị mất gốc sẽ tạo điều kiện cho trẻ ôn luyện tiếng Việt thì mọi công lao của thầy cô sẽ được đền đáp.

Nhưng đa số người Việt sang Ba Lan định cư đều có cuộc sống khó khăn, họ phải mưu sinh lo trang trải cuộc sống hàng ngày nên ít quan tâm đến việc học tiếng Việt của con em mình. Thế nên, các thầy cô phải vừa dạy, vừa dỗ để trẻ có hứng thú học tiếng Việt.

Bởi vậy, ngoài việc vận động các phụ huynh, trường luôn tổ chức các hoạt động để thu hút các em đến lớp học. Trong quá trình học tiếng Việt, có những em đang học lại bỏ dở chừng, các thầy, cô lại phải tới tận nhà động viên và khuyến khích em trở lại trường.

Vất vả là thế nhưng thầy Tiến cho biết, sẽ là rất thiệt thòi cho lũ trẻ khi trở về Việt Nam mà không biết tiếng Việt. Chim có tổ, người có tông, đất nước là nguồn cội, là chỗ dựa tinh thần cho mỗi người con xa xứ. Điều này chỉ có thể làm được khi bọn trẻ biết tiếng Việt. Đó là lý do ông và bạn bè ngày ngày bền bỉ dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt tại Ba Lan.

Nhu cầu tự thân

Đồng tình quan điểm việc gieo chữ ở nước ngoài là vô cùng khó khăn, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Hàn Quốc Anh Thư cho biết, rất nhiều học sinh đến với tiếng Việt vì bị bố mẹ bắt đến trường. Bọn trẻ nghĩ rằng, đó là ý thích của bố mẹ mà không tác động gì đến chúng. Vì thế chúng không quan tâm đến điểm, cố tình không chịu học, trình độ tiếng Việt theo năm tháng vẫn giẫm chân tại chỗ.

Vì thế nếu muốn trẻ em ở nước ngoài học tiếng Việt có hiệu quả, nhà trường dạy tiếng Việt là một yếu tố phụ, điều quan trọng nhất cần phải có là sự kết hợp giữa phụ huynh và học sinh. Phụ huynh phải theo sát việc học của con em, đồng thời phải vận động cộng đồng, vận động chính quyền, vận động trường học chấp nhận tiếng Việt như là một ngoại ngữ vào chương trình học chính thức.

Khi các em thấy việc học tiếng Việt được nước sở tại chấp nhận như là một ngoại ngữ thì các em mới thấy ưu thế nói tiếng mẹ đẻ của mình mà hăng say học tập. Còn không lựa chọn của các em vẫn là tiếng Pháp, Đức, Nhật…vì điều đó có lợi cho tương lai của chúng.

Học tiếng Việt là một nhu cầu, nhưng nếu chỉ học không thôi mà không có một nhu cầu nào khác, thì với tụi trẻ sẽ chỉ là học để cho bố mẹ hài lòng. Như vậy bọn trẻ sẽ lại quên mất tiếng Việt. Vấn đề quan trọng là song song với việc dạy tiếng Việt, là dạy cho chúng hiểu về Việt Nam, hiểu về cuộc sống của người Việt... Chỉ khi có tình yêu với Việt Nam thì tiếng Việt mới trở thành một nhu cầu của tụi trẻ, chị Thư nói.

Ngôi trường song ngữ đầu tiên

Tiếng Việt chỉ có thể phát triển được trong môi trường thuận lợi. Môi trường thuận lợi chính là tiếng Việt phải được coi là môn ngoại ngữ bắt buộc trong trường học. Tiếp sau Hàn Quốc, Úc, Séc coi tiếng Việt là ngoại ngữ học bắt buộc tại các trường học của nước sở tại thì mới đây một ngôi trường mẫu giáo song ngữ Hoa Mai tại Seattle, Mỹ ra đời cũng mang theo nhiều hy vọng mới cho công cuộc gieo chữ nơi xứ người.

Giám đốc trường Hoa Mai bà Gloria Hodge cho biết, hầu hết các gia đình người Việt đều lo ngại rằng ngôn ngữ và văn hóa Việt sẽ mờ nhạt dần đi trong thế hệ con cháu của họ. Chính từ nỗi lo ngại đó, chúng tôi đã đưa ra ý tưởng thành lập một trường mẫu giáo, nơi có thể vừa dạy tiếng Anh, vừa dạy tiếng Việt, và quảng bá chung cho cả 2 nền văn hóa”.

Để thực hiện điều này, một ngôi trường mầm non song ngữ đầu tiên dành cho người gốc Việt ở Seattle đã ra đời. Theo đó, ngôi trường sẽ tích hợp nhiều phương pháp để dạy tiếng Việt cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời.

Tại các lớp học, trên các kệ sách sẽ chất đầy những quyển truyện bằng cả 2 ngôn ngữ: Có quyển truyện được viết bằng tiếng Anh như “Bộ quần áo mới của hoàng đế”, cũng có quyển truyện được viết bằng tiếng Việt như “Nấm con dũng cảm”. Ngay cả đồ ăn cũng là đồ ăn của Việt Nam.

Tất cả những chi tiết này đều được sắp đặt có chủ ý trong chương trình giáo dục của trường mẫu giáo Hoa Mai. Nguyên lý cốt lõi trong việc dạy dỗ của trường là nhằm phản ánh nền văn hóa không chỉ bằng ngôn ngữ mà còn dựa vào cả đạo cụ, những câu chuyện dân gian, bài hát, hình ảnh để tiếng Việt ân tình, văn hóa Việt tự nhiên ăn sâu vào tâm hồn con trẻ.

Việc thành lập trường song ngữ dạy tiếng Việt tại Mỹ đã được cộng đồng người Việt ở đây ủng hộ nhiệt tình. Susan Nguyen, một người gốc Việt sống tại Nam Seattle, mẹ của bé Aiden, hiện đang theo học Hoa Mai kể lại: “Thằng bé đã về nhà và kể với chúng tôi rất nhiều thứ, bé nói được học hát, và bé hát cho tôi nghe. Aiden còn nói với tôi rằng bé được học đánh vần tên của mình và được ăn nhiều đồ ăn bổ dưỡng”.

Mặc dù ban đầu, chị Susan Nguyen có đôi chút lo lắng về việc con mình theo học ở trường song ngữ vì sự thay đổi văn hóa đột ngột có thể ảnh hưởng tới bé. Tuy nhiên các thầy cô ở trường đã trấn an chị rằng bé Aiden hạnh phúc và vui vẻ. Bé Aiden cũng kể với chị rằng bé làm quen được rất nhiều bạn mới ở trường. “Nó đã nhận được rất nhiều sự khích lệ từ những đứa trẻ khác”, chị Susan Nguyen cho hay. Bé Aiden, 5 tuổi. Giờ đây đã có thể hiểu được chút ít tiếng Việt. Dẫu cho ở nhà bé không thể nói tiếng Việt được nhiều hơn, nhưng bé đang cố gắng mỗi ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng Việt ân tình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO