Về quê trị bệnh cứu người

Nguyên Hương 24/09/2017 06:00

Đã có nhiều bác sỹ trẻ, được đào tạo bài bản ở nước ngoài đã tình nguyện trở về quê hương Việt Nam để làm việc. Với chuyên môn sâu, cộng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và những hoài bão lớn lao, họ thực sự đã để lại nhiều ấn tượng tốt, những tình cảm đẹp trong lòng người bệnh.


Bác sỹ Trần Hoàng Minh đang khám cho bệnh nhân.

Tình cảm đặc biệt
Bác sĩ Trần Hoàng Minh, 31 tuổi, quốc tịch Mỹ, học Trường ĐH Houston (Mỹ) và tốt nghiệp ĐH Queensland (Úc) đã chọn Bệnh viện Gò Vấp, TP.HCM làm việc dù với anh để tìm một công việc tốt ở bệnh viện tại Mỹ là không khó.

Thế nhưng Minh lại lựa chọn con đường trở về để cống hiến sức trẻ, tài năng của mình cho đất nước. Hiện bác sĩ Trần Hoàng Minh đang làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện Q.Gò Vấp. Bệnh nhân nào đã từng được Minh cứu chữa đều ấn tượng chàng bác sỹ trẻ tuổi tài năng và thân thiện này.

8 tuổi, Minh sang Mỹ định cư cùng gia đình. Sau 4 năm học tại trường đại học Houston (Mỹ), Minh lấy bằng cử nhân. Nhưng không dừng lại tấm bằng cử nhân, anh học tiếp tại trường đại học Queensland (Úc). Với những tấm bằng của hai trường Đại học có tiếng như vậy, Minh thừa sức ở lại làm việc ở Úc hoặc Mỹ. Thế nhưng chàng bác sỹ trẻ tuổi này đã đưa ra một quyết định quan trọng: Trở về phục vụ quê hương.

Nói về lý do trở về nơi “đất khó” Minh cho biết, anh còn có bà nội đã cao tuổi ngụ ở TP Hồ Chí Minh, cần có người thân chăm sóc, đó là lý do khiến đứa cháu nội trở về. Nhưng lý do cao hơn đó là đất nước rất cần những người được đào tạo bài bản, tiếp thu trình độ khoa học, công nghệ hiện đại trở về phục vụ quê hương. Nói là làm, tháng 7 năm 2015 Minh về đầu quân cho bệnh viện quận Gò Vấp.

Ngày ngày, các bệnh nhân khoa cấp cứu của Bệnh viện Gò Vấp đã nhận được sự chăm sóc tận tình của vị bác sỹ này. Thậm chí Minh còn đến tận nhà khám cho bệnh nhân khi anh không thể liên lạc được với bệnh nhân của mình. Bằng trái tim nhiệt huyết, tấm lòng rộng mở, chàng bác sỹ kiều bào này đã đem lại sự ấm áp, xoa dịu phần nào sự đau đớn về thể xác của bệnh nhân đến điều trị.

Từ ngày đi làm, Minh dành nhiều thời gian ở trong bệnh viện. Những ngày không phải trực nhưng nếu thấy “nhớ” bệnh viện, Minh lại đến khoa cấp cứu tự nguyện phục vụ bệnh nhân. 7g sáng mới bắt đầu giao ca nhưng nếu đến ca trực, Minh luôn có mặt từ lúc 6h 30 phút. Minh bảo bác sĩ trực ca đêm rất mệt, mình đến sớm hơn để chia sẻ cùng họ.

Về quê hương làm việc, bác sĩ Minh cũng nhận ra một vấn đề đang còn thiếu sót tại Việt Nam. Đó là khoảng cách rất xa giữa bác sỹ và bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân yếu kém về tài chính, trình độ. Phải kéo gần khoảng cách giữa bác sỹ và bệnh nhân, bởi mình có hiểu bệnh nhân và bệnh nhân có tin bác sỹ việc chữa trị mới đem lại kết quả tốt nhất. Thế là bất cứ việc gì, bất cứ khi nào, nếu có thể anh đều dốc sức giúp họ.

Trả lời câu hỏi làm ở bệnh viện công sẽ không bằng các bệnh viện tư và càng chênh lệch rất nhiều so với bác sỹ làm việc tại Mỹ nhưng vì sao Minh lại chọn đường khó đi? Anh trả lời: “Mình đi làm chỉ vì yêu thích công việc. Không đặt nặng về lương, với Minh đủ sống là được rồi”. Anh sẽ ở Việt Nam luôn hay chỉ phục vụ bệnh nhân một thời gian rồi lại quay về Mỹ? Minh trả lời ngay với chúng tôi rằng anh “đã định cư ở đây”. Anh còn khoe đã được nhập hộ khẩu, được cấp chứng minh nhân dân và là người Việt Nam 100%.

“Tôi luôn ý thức được rằng chính nhờ đất nước, bố mẹ, thầy cô, bạn bè giúp đỡ rèn giũa và động viên tôi mới bước chân được vào Harvard, được học tập và rèn luyện trong một môi trường tốt như thế... Vì vậy, với tôi, được sống và làm việc trên quê hương mình chính là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm. Những người trẻ, đi ra nước ngoài học hỏi, tích lũy tinh hoa rồi quay về đóng góp cho đất nước... Chỉ có thế Việt Nam mình mới dần vươn lên ngang tầm các nước khác”- bác sỹ Hoàng Hồng chia sẻ.

Việt Nam là máu thịt của tôi
Được đi tu nghiệp ở ĐH Harvard từ chối làm việc tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts - một bệnh viện lớn của Mỹ, bác sỹ Hoàng Hồng đã trở về quê trị bệnh cứu người. Hiện bác sỹ Hoàng Hồng làm việc tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nơi anh công tác trước khi sang Mỹ du học.

Vì sao bác sỹ lại bỏ những cơ hội tốt ở Mỹ (mà không phải ai cũng dễ dàng có được) để về Việt Nam làm việc? Tôi vốn là người của Viện Đại học y. Tôi có may mắn được lựa chọn đi tu nghiệp, đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài. Tôi đã học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý. Tất nhiên, không thể quay lưng với nơi đã tạo điều kiện cho mình. Tôi muốn quay về trả ơn đất nước, trả ơn nơi đã đào tạo mình thành một bác sỹ giỏi... Đơn giản vậy thôi, bác sỹ Hồng nói.

Anh cũng chia sẻ, tôi là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Việt Nam là máu thịt của tôi. Đã là người Việt Nam dù có đi đâu, ở đâu bao nhiêu năm đi nữa thì họ và thế hệ con cháu họ vẫn coi mình là người Việt Nam, gốc gác từ Việt Nam. Tôi luôn ý thức được rằng chính nhờ đất nước, bố mẹ, thầy cô, bạn bè giúp đỡ rèn giũa và động viên tôi mới bước chân được vào Harvard, được học tập và rèn luyện trong một môi trường tốt như thế... Vì vậy, với tôi, được sống và làm việc trên quê hương mình chính là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm. “Những người trẻ, phải đi ra nước ngoài học hỏi, tích lũy tinh hoa rồi quay về đóng góp cho đất nước... Chỉ có thế Việt Nam mình mới dần vươn lên ngang tầm các nước khác” - bác sỹ Hồng chia sẻ.

Tuy nhiên, chuyển từ môi trường làm việc hiện đại, đầy đủ trang thiết bị về môi trường bệnh viện còn nhiều khó khăn ở Việt Nam, rõ ràng không phải chuyện giản đơn. Bác sỹ Hồng nói: “Ban đầu tôi cũng cần có chút thời gian để thích nghi lại với môi trường và cơ sở vật chất nhưng sau đó mọi việc khá thuận lợi. Tôi may mắn vì lãnh đạo bệnh viện Đại học Y Hà Nội không những là các thầy giỏi chuyên môn mà còn rất có tâm, trọng dụng nhân tài. Đó là động lực để tôi vượt qua khó khăn và toàn tâm toàn ý cho công việc ở bệnh viện”, bác sỹ Hồng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về quê trị bệnh cứu người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO