Kinh doanh online: Quản lý thuế có lỏng lẻo?

Nguyễn Hoài 31/12/2021 13:58

Theo các chuyên gia, những chiêu trò trốn thuế trong kinh doanh bán hàng online ngày càng tinh vi khiến việc thu thuế đối với hình thức kinh doanh này khó triển khai và chưa có giải pháp hữu hiệu.

Kinh doanh online mang lại thu nhập “khủng” cho các cá nhân. Thế nhưng, hiện nay hầu hết người bán hàng online đều không phải kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Ngành thuế gần như chưa thu được nhiều từ loại hình kinh doanh này dù quy định luật đã có.

Doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế

Theo ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, trong năm 2021, Cục Thuế TP Hà Nội đã chú trọng nắm bắt những phương thức sản xuất kinh doanh mới, đặc biệt là các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất về chính sách và phương pháp quản lý hiệu quả, qua đó mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế.

Cục Thuế TP Hà Nội cũng đã thu được khoảng 14.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng thu và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh từ các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số trong năm 2021.

Livestream bán hàng qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử mang lại doanh thu không nhỏ cho người kinh doanh.

Số liệu này cho thấy, số thu thuế từ lĩnh vực này vẫn còn khá khiêm tốn so với số thu chung. Bán hàng online mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người kinh doanh trong khi ngành thuế chưa thu được nhiều từ loại hình kinh doanh này đang làm dấy lên nghi ngại nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến thất thu thuế.

Theo quy định của pháp luật, cá nhân bán hàng online thuộc diện điều chỉnh của pháp luật về thuế đối với cá nhân kinh doanh và phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành tại Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được ban hành ngày 1/6/2021 và có hiệu lực vào ngày 01/8/2021.

Thông tư 40/2021/TT-BTC có quy định, cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Về vấn đề nay, theo Bộ Tài chính, thời gian qua, Bộ đã chủ động triển khai các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, phối hợp với các cơ quan có liên quan để khai thác thông tin từ đó đôn đốc cá nhân có hoạt động kinh doanh online tự kê khai, nộp thuế theo quy định.

Đối với trường hợp cá nhân kinh doanh online đã thuộc diện quản lý của cơ quan thuế thì phải cập nhật thông tin về giao dịch trên mạng của cá nhân kinh doanh để làm cơ sở điều chỉnh doanh thu kinh doanh nếu chưa phù hợp. Đồng thời đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật về quản lý thuế theo hướng tăng cường trách nhiệm của người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bộ Tài chính đánh giá, các giải pháp quản lý thuế trong thời gian qua đã dần đưa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung và kinh doanh online vào nền nếp.

Siết chặt quản lý

Rõ ràng, quy định luật đã có nhưng theo tìm hiểu, hiện nay, hầu hết người bán hàng online đều không phải kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Lưu Phú, Phó Giám đốc Công ty Luật Gia Nguyễn và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhìn nhận, việc thu thuế đối với kinh doanh qua mạng rất khó triển khai và chưa có giải pháp hữu hiệu.

Theo quy định, các cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Theo thống kê thực tế, nhiều tài khoản Facebook, Zalo kinh doanh có doanh thu hàng tỷ đồng/năm nhưng không hề bị tính thuế. Việc này vừa làm thất thu cho ngân sách Nhà nước vừa không công bằng với các cá nhân bán hàng truyền thống.

Luật sư Phú cho biết, theo quy định của Pháp luật thì trường hợp không kê khai và nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, những trường hợp này nhẹ thì bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Sự bùng nổ của hình thức kinh doanh này gây khó khăn, phức tạp trong công tác kiểm soát và quản lý. Tuy nhiên, luật sư Phú nhìn nhận, không phải vì khó mà buông lỏng quản lý hoặc cấm kinh doanh online.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2021 tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn khẳng định, năm 2022 ngành thuế sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất xây dựng chính sách phù hợp về tỷ lệ thu, về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đối với hoạt động này.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện nay quy định tại Việt Nam về kinh doanh online chưa đầy đủ nên xuất hiện nhiều kẽ hở. Vì vậy, ngành thuế cần phải có cơ sở công nghệ quản lý tốt; đồng thời có luật pháp về vấn đề kinh doanh online và hệ thống quản lý chặt chẽ hơn. Song song với đó là có giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tập huấn, tuyên truyền để người dân có ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh doanh online: Quản lý thuế có lỏng lẻo?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO