Kinh nghiệm trong giám sát, phản biện xã hội

Quốc Trung (thực hiện) 10/09/2017 07:12

Thời gian qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tỉnh Trà Vinh luôn chủ động tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, MTTQ các cấp có các hình thức giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức sáng tạo, đưa ra những kiến nghị thiết thực. Ông Kim Ngọc Thái - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết về kết quả này.


Ông Kim Ngọc Thái

PV: Thưa ông, những kiến nghị từ công tác giám sát và phản biện xã hội thời gian qua của MTTQ các cấp ở Trà Vinh đã được UBND tỉnh tiếp nhận như thế nào?
Ông Kim Ngọc Thái: Thời gian qua Ban thường trực UBMTTQ tỉnh Trà Vinh đã tổ chức được 11 cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Kèm theo đó là các báo cáo tham mưu đề xuất đến Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét chỉ đạo, giải quyết những tồn tại, bất cập qua kiến nghị của đoàn giám sát.

Cụ thể như giám sát việc thực hiện Chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015; việc thực hiện quyết định số 335/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về trình tự thủ tục và các mức hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; việc thực hiện Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung qua các kiến nghị của đoàn giám sát UBND tỉnh và các sở ngành địa phương đã kịp thời khắc phục những tồn tại hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước, bảo đảm quyền lợi ích chính đáng của nhân dân…

Ngoài ra hàng năm MTTQ đều phối hợp với Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh các sở, ngành và tổ chức thành viên giám sát thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và những nội dung gây bức xúc trong dư luận; những vấn đề liên quan đến dân sinh và ổn định tình hình trong vùng đồng bào dân tộc tôn giáo.


Con đường nông thôn mới ở Trà Vinh.

Riêng đối với Ban thường trực UBMTTQ các huyện, thị xã, thành phố, từ năm 2014 đến nay thành lập đoàn giám sát, tổ chức giám sát 83 cuộc và phối hợp cùng với các tổ chức thành viên giám sát 198 cuộc đối với các vấn đề có liên quan đến việc thực thi chính sách pháp luật ở địa phương. Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở tổ chức 2.034 cuộc giám sát thuộc phạm vi được quyết định, qua đó đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân đảm bảo chất lượng các công trình và thiết thực phòng chống tham nhũng lãng phí.

Qua thực tế giám sát của MTTQ các cấp có cho thấy những hạn chế nào cần khắc phục, thưa ông?

-Đầu tiên phải nói đến tính chủ động trong quá trình thực hiện chưa cao, chưa áp dụng đúng theo quy trình và có nơi còn mang tính hình thức, phương thức giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, chưa được phát huy đúng mức. Hoạt động phản biện xã hội chưa thực sự rõ nét, thiếu chiều sâu, chủ yếu thực hiện ở việc tham gia góp ý kiến vào dự thảo các văn bản của trung ương, của tỉnh khi được gửi lấy ý kiến.

Việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa được các cấp Mặt trận triển khai đồng bộ, chậm so với yêu cầu thực tế. Trong góp ý xây dựng chính sách pháp luật còn hạn chế, vai trò của các thành viên Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn, cộng tác viên tư vấn, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo chưa phát huy đúng mức.

Hàng năm MTTQ tỉnh Trà Vinh phối hợp với Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh các sở, ngành và tổ chức thành viên giám sát thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và những nội dung gây bức xúc trong dư luận, những vấn đề liên quan đến dân sinh và ổn định tình hình trong vùng đồng bào dân tộc tôn giáo.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong việc tham gia giám sát phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền, theo ông cần có những giải pháp gì?

-MTTQ các cấp cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể chủ động trong việc xin chủ trương của Thường trực cấp ủy, thông báo với chính quyền cùng cấp về nội dung, chương trình giám sát, phản biện tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền hàng năm. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao hiệu quả giám sát ở cơ sở, khu dân cư thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã, phường, thị trấn.

Quan tâm xây dựng, củng cố về tổ chức, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, kỹ năng của cán bộ MTTQ chuyên trách, thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn.

Thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của tầng lớp nhân dân và nắm bắt dư luận xã hội, qua đó kịp thời tham mưu, đề xuất đối với cấp ủy, chính quyền cùng cấp giải quyết, tháo gỡ và tạo điều kiện, hỗ trợ cho MTTQ, tổ chức giám sát và phản biện. Cùng với đó cần tăng cường phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND cùng cấp trong công tác giám sát việc thực hiện lời hứa của các cơ quan chức năng đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, qua đó kịp thời đề xuất biện pháp, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh nghiệm trong giám sát, phản biện xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO