Kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2017: Chuyển biến của cả hệ thống

Nguyên Khánh 02/12/2017 07:45

“Các thành viên Chính phủ tự đánh giá xem năm 2017 đã làm được gì và năm 2018, công việc của bộ, ngành mình là gì để thực hiện những định hướng quan trọng mà Chính phủ đã đề ra, tạo sự chuyển biến cả hệ thống chứ không chỉ một bộ phận”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, hôm qua 1/12.

Chiều cùng ngày Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì họp báo thông báo nội dung phiên họp này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2017 (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

“Đừng thỏa mãn non”

Thông tin tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng đồng đều cả 3 khu vực, nhiều việc triển khai tốt, tiến bộ vượt bậc. Kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất công nghiệp có bước tăng trưởng rất cao.

Nhiều lĩnh vực lập kỷ lục mới như lĩnh vực du lịch. Dù đạt được những kết quả như vậy nhưng Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ cần tiếp tục phát huy, đồng thời triển khai để kết quả tốt nhất và “đừng thỏa mãn non”.

Bởi theo Thủ tướng “chúng ta có phát triển, chúng ta tự hào về sự phát triển ấy nhưng so với khu vực, toàn cầu thì còn thấp. Chúng ta phải phát triển mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn, đây là một yêu cầu rất lớn của mọi cấp, mọi ngành, phải được quán triệt trong chỉ đạo, điều hành”- Thủ tướng yêu cầu.

Ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết, tại phiên họp Thủ tướng đã lưu ý các thành viên Chính phủ cần tiếp tục thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội, quốc dân đồng bào, thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội, các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo đó nói và làm đi liền với nhau, nhất là trong hành động cụ thể, chứ không phải ở nghị trường thì sôi nổi, trách nhiệm, sau đó lại không xem lại những lời hứa của mình.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu mỗi Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ tự đánh giá xem năm 2017 đã làm được gì và năm 2018, công việc của bộ, ngành mình là gì để thực hiện những định hướng quan trọng mà Chính phủ giao. Các bộ, ngành phải phấn đấu một số công việc có kết quả cụ thể.

Ví dụ với ngành Giao thông Vận tải là sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành, đường cao tốc; với ngành Công thương thì các chương trình mục tiêu, thương mại điện tử, chống gian lận, buôn lậu… và phải tạo được chuyển biến cả hệ thống chứ không chỉ một bộ phận...

Báo cáo toàn diện về vấn đề BOT

Rất nhiều chỉ đạo cụ thể cho các cấp các ngành đã được Thủ tướng chỉ đạo tại phiên họp. Với các dự án BOT- một vấn đề nóng bỏng hiện nay-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ GTVT có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là công trình BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để đánh giá toàn diện, không để kéo dài tình trạng này.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đồng thời, hỗ trợ cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, vật tư để ổn định đời sống và khôi phục sản xuất tại các địa bàn chịu ảnh hưởng thiên tai.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh. Chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh tình trạng cắt giảm bớt các điều kiện kinh doanh nhưng lại “mọc giấy phép con”.

Tiếp tục triển khai các dịch vụ hành chính điện tử, giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.

Nhấn mạnh nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, cần tổ chức hội nghị bàn về việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.

Đây là hướng ra quan trọng của nông nghiệp Việt Nam. Trong lĩnh vực xã hội, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục lên án hành vi sai trái, tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến xây dựng văn hóa, làm tha hóa con người. Do đó, Bộ Công an cần điều tra, xử lý nghiêm hành vi bạo hành trẻ em.

Sẽ đẩy mạnh tinh giản biên chế

Về vấn đề biên chế không giảm sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, hiện biên chế do nhiều cơ quan quản lý.

Sắp tới sẽ tiếp tục cơ cấu tổ chức bên trong bộ máy cũng như sắp xếp, tổ chức lại biên chế của các xã, thôn, tổ dân phố để đạt được chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết đó là đến năm 2021 giảm 10% biên chế.

Về vấn đề thêm tên các thành viên vào sổ đỏ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, căn cứ vào khoản 2 điều 98 của Luật Đất đai, Bộ đã nghiên cứu ban hành Thông tư 23.

Tuy nhiên quy định hộ gia đình có tài sản chung thì chưa được làm rõ. Theo đó phải ban hành Thông tư 33 thay thế Thông tư 23.

Thông tư này ban hành là để thể chế hóa, làm rõ hơn các quy định của luật thôi. Vì sao phải quy định ghi tên hộ gia đình trong sổ đỏ là bởi trên thực tế theo luật không còn khái niệm hộ gia đình nữa. Theo đó, phải quy định rõ quyền hạn của từng cá nhân với tài sản chung.

Giải pháp về “thẻ vàng” của EU với hải sản Việt Nam

Trả lời câu hỏi liên quan tới khuyến cáo “thẻ vàng” của EU với mặt hàng hải sản Việt Nam, thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, cơ quan này đã có kế hoạch hành động, đưa ra giải pháp cụ thể.

Theo đó, trước tiên phải tập trung sửa đổi quy định pháp lý liên quan để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó có việc tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển các nước.

Giải pháp tiếp theo là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân, chủ tàu và cả xã hội. Ông Tám nhìn nhận, năng lực thực thi là quan trọng nhất vì “EU muốn chúng ta có hành động thực tiễn”.

“Có hành vi quá khích ở trạm BOT Cai Lậy”

Trả lời câu hỏi của báo chí về các dự án BOT, trong đó có BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Nhật- thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, thời gian qua Bộ đã tiếp 107 đoàn thanh tra, kiểm tra về nội dung này; Bộ sẽ tổng hợp toàn diện mặt được, chưa được để trình lên Thủ tướng.

Trước diễn biến ở BOT Cai Lậy từ ngày 30/11 đến nay, ông Nhật cho biết, theo quy định các trạm ách tắc quá 500 m thì phải xả trạm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không để thời gian kéo dài.

Tuy nhiên, theo ông Nhật, vừa qua tại trạm Cai Lậy cũng có một số lái xe quá khích, không ủng hộ thu phí tại trạm này, đánh xe tới giữa trạm, tắt máy và bỏ xe lại... thì dư luận không nên ủng hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2017: Chuyển biến của cả hệ thống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO