Kinh tế phát triển và bữa ăn hàng ngày

Bắc Phong 31/10/2019 07:20

Tiếp đà tăng trưởng, 10 tháng qua nền kinh tế của đất nước có nhiều khởi sắc, đặc biệt là sự ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều lĩnh vực quan trọng thu được kết quả ấn tượng. Điều đó sẽ quyết định chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả năm 2019. Tuy nhiên, với những tháng còn lại trong năm, vẫn rất cần sự nỗ lực, đặc biệt là ở những điểm liên quan trực tiếp tới người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng ở một số lĩnh vực.

Kinh tế phát triển và bữa ăn hàng ngày

Lượng thịt gà nhập khẩu tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến giá gà trong nước xuống thấp, người chăn nuôi khó khăn. Ảnh: Hương Giang.

Trước hết, có thể khẳng định điểm sáng của nền kinh tế 10 tháng qua đó là giữ được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhất trong 3 năm. Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, bình quân 10 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Như vậy, Chính phủ sẽ kiểm soát CPI năm 2019 từ 3,3-3,9%. Đáng chú ý, mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,82% đến 2,04%; bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản ở mức 1,92% cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

Trong khi Việt Nam đang nỗ lực để EC rút lại thẻ vàng, có nghĩa là xuất khẩu thủy sản của ta vào EU vẫn gặp khó khăn, thì các con số cho thấy sản xuất thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Vẫn theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản quý III/2019 ước tính đạt 2.190,6 nghìn tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cá đạt 1.488,9 nghìn tấn, tăng 4,6%; tôm đạt 322 nghìn tấn, tăng 6,6%; thủy sản khác đạt 379,7 nghìn tấn, tăng 4,9%. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 5.964,9 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm sáng nữa đến từ ngành “công nghiệp không khói” là du lịch, khi mà Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao kỷ lục trong tháng 10 của năm nay. Theo đó, có gần 1,62 triệu lượt khách quốc tế, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là tháng có tốc độ tăng trưởng cao nhất đến nay trong năm 2019. Còn trong vòng 10 tháng của năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ 2018. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn đáng kể mức bình quân chung của thế giới cũng như khu vực theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).

Như vậy có thể khẳng định kinh tế của đất nước tiếp tục phát triển trong khi phải chịu tác động tiêu cực của những yếu tố đến từ khu vực nói riêng và của kinh tế toàn cầu nói chung. Điều đó cho thấy sức khỏe của nội tại nền kinh tế đủ sức chống chọi với những diễn biến bất lợi đến từ bên ngoài trong quá trình hội nhập; đồng thời cho thấy sức cạnh tranh của nền kinh tế đã được nâng lên ở tầm mức mới. Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua. Báo cáo GCI đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới, trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng về năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì cũng còn không ít khó khăn khách quan cần nỗ lực vượt qua bằng những giải pháp linh hoạt, hữu hiệu. Ở đây, xin được đưa ra 2 ví dụ liên quan đến vai trò của ngành Nông nghiệp, Công thương. Một là thịt gà nhập khẩu. Hai là giá thịt lợn trong nước.

Ở việc thứ nhất, giá thịt gà nhập khẩu. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, lượng thịt gà nhập khẩu tăng đột biến, lên đến 160.000 tấn. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến người chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ khi xuất bán 1 con gà sẽ bị lỗ 24.000 đồng (với giá 25.000 đồng/kg). Với việc thứ hai, giá thịt lợn tăng mạnh, cao nhất trong vòng 3 năm nay. Do tác động tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi hoành hành suốt những tháng qua, tại nhiều địa phương trên cả nước khiến đàn lợn sụt giảm và người chăn nuôi rất khó tái đàn.

Trong cả hai ví dụ nêu trên dễ dàng nhận thấy chúng đều tác động trực tiếp tới bữa ăn hàng ngày của người dân, vì đây là nguồn thực phẩm dinh dưỡng chính, quen thuộc. Cùng đó, người chăn nuôi, nhà phân phối cũng đều rơi vào tình cảnh chống đỡ rất vất vả…

Vậy mới nói, về tổng thể kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ nhưng cũng rất cần chú ý tới những gì thiết thân trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Việc có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi trong giai đoạn này vì thế cần được đặt ra. Khi người chăn nuôi nhận được sự hỗ trợ cần thiết thì họ có thêm động lực sản xuất; nhà phân phối đỡ loay hoay chống chọi và cuối cùng là người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế phát triển và bữa ăn hàng ngày

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO