Kinh tế số hóa để bứt phá

LÊ ANH 28/03/2022 06:28

Quá trình chuyển đổi số tại TPHCM có một sứ mệnh rất đặc biệt, đó là đổi mới, sáng tạo và ứng dụng các giải pháp công nghệ số để duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội của “đầu tàu” kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, các giải pháp số sẽ giúp cho thành phố chống dịch thành công và hạn chế tối đa tác động của suy thoái kinh tế.

TP Hồ Chí Minh nỗ lực chuyển đổi số để tạo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Giảm phiền hà, lãng phí

Chị Nguyễn Thị Hải Yến (32 tuổi, ngụ phường Cát Lái, TP Thủ Đức TPHCM) cho biết, mới đây khi có các triệu chứng nghi mắc Covid - 19, chị đã chủ động xét nghiệm nhanh tại nhà, sau đó khai báo qua hệ thống nền tảng số mới được vận hành hoàn toàn bằng “click chuột”. “Chỉ mất chưa đến 5 phút khai báo trên cổng thông tin của thành phố, tôi đã được xác nhận là F0. Sau khi khỏi bệnh, tôi được khuyến cáo cũng khai báo qua mạng để được cấp giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà” - chị Yến cho biết thêm. Trên địa bàn phường Cát Lái, từ đầu tháng 2 cho đến nay, đã có hàng trăm lượt khai báo F0 qua nền tảng số tại địa chỉ .tphcm.gov.vn. Phản ánh của người dân là rất tích cực khi người bị F0 không phải mất thời gian, chi phí để đến tận trụ sở cơ quan chính quyền để nhận tấm “Giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà”, mà mẫu văn bản này sẽ được scan và được gửi qua email cá nhân của F0 khỏi bệnh.

Thời gian qua, các dịch vụ công cấp độ 4 được TPHCM triển khai khá hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực hoạt động, giảm chi phí cũng như thời gian phiền hà cho tổ chức, cá nhân. Ông Chu Đình Thái - Giám đốc Công ty dịch vụ An Thái cho biết, mới đây khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng một căn nhà trên đường Lê Văn Thịnh (quận 2 cũ, nay là TP Thủ Đức) ông được hướng dẫn làm thủ tục gửi qua đường bưu điện. Nhân viên tại đây giao cho ông giữ một “vận đơn”, sau khi hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế, chỉ chưa đầy một tháng sau Phòng Đăng ký đất đai của TP Thủ Đức có tin nhắn thông báo về kết quả giải quyết hồ sơ và thời gian nhận hồ sơ, tên nhân viên kèm theo số điện thoại để liên hệ. “Với thủ tục này, thời gian để giải quyết một hồ sơ chuyển nhượng nhà đất đã giảm 50% thời gian như trước đây, tạo sự yên tâm và hài lòng cho người dân” - ông Thái chia sẻ.

Để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận với dịch vụ công cấp độ 4 và các nền tảng số, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã ra mắt Cổng thông tin Chuyển đổi số thành phố. Đây là kênh chính thức tổng hợp thông tin liên quan đến kế hoạch, chương trình chuyển đổi số, các hoạt động và kết quả chuyển đổi số của TPHCM. Người dân không chỉ truy cập tìm kiếm các ứng dụng, các hệ thống dịch vụ công đã và đang được cung cấp mà còn có cơ hội góp ý trực tiếp các bức xúc nảy sinh trong quá trình trải nghiệm các dịch vụ chuyển đổi số của thành phố.

Đẩy mạnh kinh tế số

Đánh giá về cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua nền tảng số, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi số có một sứ mệnh rất đặc biệt đối với thành phố về đổi mới, sáng tạo và ứng dụng các giải pháp công nghệ số để duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, các giải pháp số sẽ giúp cho thành phố chống dịch thành công và hạn chế tối đa tác động của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, ông Mãi cũng cho rằng, để đạt được các kết quả này đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, người lao động phải hiểu sâu về chuyển đổi số.

Quá trình giám sát của việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số tại TPHCM hiện nay đang được giao cho HĐND và MTTQ TPHCM phối hợp giám sát, phản biện, đánh giá các kết quả, nhất là đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ công cấp độ 4 và các nền tảng số trên các lĩnh vực. Mới đây, khi triển khai đoàn giám sát “Việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 – 2021”, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM đã đánh giá các đầu tư về khoa học công nghệ, trong đó có các nền tảng số được chính quyền TPHCM đặc biệt quan tâm và nguồn kinh phí cấp cho các dự án chuyển đổi số có xu hướng tăng hàng năm. Bà Châu cho rằng, chuyển đổi số giúp thành phố tiết kiệm rất lớn các chi phí phát sinh cho người dân, doanh nghiệp do đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng các giải pháp kinh tế số.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, đầu tư của TPHCM hàng năm đang ưu tiên đặc biệt cho khoa học công nghệ, nhất là dịch vụ công cấp độ 4 và xây dựng các nền tảng kinh tế số. Ước tính, cứ một đồng vốn từ ngân sách nhà nước thu hút khoảng 6,5 đến 7 đồng vốn từ xã hội, nghĩa là vốn ngân sách bỏ ra thấp nhưng vốn thu hút xã hội rất cao. Do đó, nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ chiếm từ 15% đến 20% nhưng nếu phát huy xã hội hóa và tận dụng các nguồn lực thu hút vào lĩnh vực khoa học công nghệ, sẽ giúp thành phố tiến nhanh hơn tới nền kinh tế số, xây dựng thành công đô thị thông minh.

Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, hiện nay thành phố đã xây dựng kênh tương tác để lãnh đạo thành phố có thể nắm bắt, tiếp nhận những ý kiến, góp ý, hiến kế của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ công chức thành phố. Các chương trình “Chuyển đổi số của TPHCM” và đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh” được dự báo sẽ giúp TPHCM phát triển nhanh và bền vững, giữ vững vai trò “đầu tàu” kinh tế phía Nam và đóng góp lớn hơn cho ngân sách quốc gia hàng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế số hóa để bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO