Kinh tế số và cơ hội cho doanh nghiệp

Minh Phương 06/08/2018 06:44

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra diện mạo mới cho nền kinh tế toàn cầu. Những nhà máy công nghệ hiện đại, dây chuyền hoạt động hoàn toàn thay thế lao động của con người ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Kinh tế số và cơ hội cho doanh nghiệp

Muốn tiếp cận nền kinh tế số, hệ thống giáo dục đào tạo cũng phải cải cách phù hợp.

Phương thức sản xuất mới sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về phía người tiêu dùng, họ cũng sẽ được hưởng những lợi ích từ việc các DN ứng dụng các công nghệ thông minh, đó là sẽ có nhiều cơ hội để sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn...

Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghiệp 4.0 của DN trong nước hiện nay vẫn đang ở tình trạng “có thì tốt không có cũng không sao”, nghĩa là nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa vẫn có suy nghĩ... không ảnh hưởng đến mình. Con số khảo sát của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho thấy, chỉ 55% DN cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động lớn tới DN. Thế nhưng, có đến 80% trong số này hoàn toàn đang “đứng yên”, chưa hề có sự chuẩn bị gì cho cuộc chuyển đổi. Số DN còn lại vẫn ở tình thế “tìm hiểu và nghiên cứu”.

Ông Trịnh Duy Hoàng- Công ty nghiên cứu thị trường Vietanalystic cho hay, kinh tế số phát triển khá mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng đối với các DN nhỏ và vừa, họ hầu như chưa có sự tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Theo ông Hoàng, nhiều DN vẫn thấy công nghệ số là thứ gì đó rất xa lạ, đa phần mới chỉ được nghe nói đến. Còn nếu như để ứng dụng kinh doanh bằng công nghệ hiện đại, thì rất ít DN nhỏ và vừa thực hiện, một phần vì ít DN quan tâm, mặt khác do chi phí đầu tư cũng là một áp lực.

Phân tích về thực trạng này, ông Hoàng nêu rõ, rào cản lớn nhất đối với các DN hiện nay chính là yếu tố nhân lực. Hiện nay, những doanh nhân bắt tay vào khởi nghiệp ở Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thường tập trung vào khu vực DN vừa và nhỏ, đi lên từ các hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể nên phần lớn đều rất yếu về nguồn lực, nguồn vốn, vì vậy rất hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ.

Trên thực tế, kinh tế số và thương mại điện tử đang làm cho thế giới thu nhỏ lại để các DN nhỏ và vừa lớn lên, xóa bỏ được những bất lợi lâu nay đang là gánh nặng trên vai DN, giúp DN có thể tiếp cận được thị trường toàn cầu một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội từ nền kinh tế số mang lại, DN dù lớn hay nhỏ, siêu nhỏ cũng cần phải tuân thủ tính minh bạch, áp dụng bằng được hệ thống quản trị đạt chuẩn toàn cầu.

Để DN thuận lợi hơn khi tiếp cận nền kinh tế số, toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo cũng phải được cải cách, tái cấu trúc theo hướng tập trung vào nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế số. Bởi theo dự báo hiện nay, trong thời gian tới nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế số, cho công nghệ thông tin đang rất mạnh mẽ, khả năng thiếu hụt lực lượng lao động này là rất lớn. Một số lĩnh vực như dệt may, giày dép hay điện tử sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp của bộ phận lao động giản đơn. Chính vì vậy, cần phải đào tạo, đào tạo lại để chuyển đổi lực lượng lao động này sang các công việc phù hợp với nền kinh tế số cũng là yêu cầu đặt ra cho các DN.

Giới chuyên gia cho rằng, cơ hội mà nền kinh tế số mang lại cho các DN là như nhau. Do vậy, DN cần chủ động trong việc tiếp cận công nghệ, lấy công nghệ làm bàn đạp để có thể tồn tại và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế số và cơ hội cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO