Kinh tế tư nhân không thể chậm mãi

Thái Duy 11/12/2015 09:53

Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) quyết định Đổi Mới như nhân dân đang rất trông đợi, cấp bách đến mức “Đổi Mới hay là chết”. Chúng ta bắt đầu thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khi các nước cùng khu vực đã thực hiện cơ chế thị trường trước ta đã nhiều năm… Trong nền kinh tế thị trường, vai trò doanh nhân quan trọng, không có tài kinh doanh thì những tài nguyên quốc gia, kể cả trí thức về khoa học – công nghệ vẫn chỉ là khả năng tiềm tàng mà thôi. Phải có các nhà kinh doanh giỏ

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet).

Doanh nhân là đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến của thời đại, phát triển tầng lớp doanh nhân mới là nhiệm vụ chính yếu của bất cứ quốc gia nào muốn năng lực cạnh tranh không thua kém thiên hạ.

Còn ở ta, ngay cả sau Đổi Mới, thành phần kinh tế tư nhân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các ưu tiên, ưu đãi đều dành cho kinh tế Nhà nước. Một nền kinh tế có ưu tiên, ưu đãi và có phân biệt đối xử trong các doanh nghiệp thì rất khó cạnh tranh lành mạnh theo đúng nghĩa của nó. Và một khi đã không có cạnh tranh lành mạnh thì các doanh nghiệp không có đòi hỏi phải áp dụng khoa học, công nghệ, không có đòi hỏi phải có nhân lực chất lượng cao. Đây là một thực đáng lo ngại vô cùng.

Trong khi cuộc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu ngày càng khốc liệt, đào thải không thương tiếc, thì ở ta, đa số các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với thế giới từ hai, ba thế hệ, chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp tập trung đầu tư đổi mới sản xuất gắn công nghệ mới nhưng mức kinh phí chưa tới 1% doanh thu. Năng lực cạnh tranh rất thấp nhưng lại có tham vọng tạo nên những “quả đấm thép”. Không phải vì ta không có ngoại tệ nhập máy móc, thiết bị hiện đại, bởi lẽ, trong 10 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập hàng hóa cả nước đạt 138,7 tỷ USD, trong đó hàng xa xỉ đạt 20 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2014. Mấy năm qua, năm nào cũng nhập hàng chục tỷ USD hàng xa xỉ cực sang để thỏa mãn thú tiêu dùng “đốt tiền” của tầng lớp siêu giàu...

Đổi mới là xu thế không thể đảo ngược, một cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt giữa quan điểm đúng đắn coi mọi thành phần kinh tế đều “lợi nhà, ích nước” với những quan điểm giáo điều, bảo thủ, duy ý chí đã gây cản trở lớn đến việc phát triển lực lượng sản xuất ở nước ta. Từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), 15 năm sau đến hội nghị trung ương lần thứ 5, Đại hội IX (2001) mới khẳng định dứt khoát các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) đã mở triển vọng mới cho kinh tế tư nhân rộng đường phát triển.

Cái mới đạt bước tiến đáng kể nhưng cái cũ vẫn ra sức cố thủ, vẫn duy trì môi trường kinh doanh không bình đẳng, trong đó kinh tế tư nhân và đội ngũ doanh nhân mới dường như chỉ được là “con nuôi” của Nhà nước. Cái mới kiên trì tiến từng bước, lại phải 10 năm nữa, qua hai Đại hội Đảng, đến Đại hội XI năm 2011 mới xác định tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng là trọng tâm đột phá thể chế. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng đương nhiên không còn ưu tiên, ưu đãi, không còn phân biệt đối xử với các doanh nghiệp và phát huy mạnh mẽ mọi hoạt động của kinh tế tư nhân. Phải chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân, mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo. Đến lúc này mới lại nhớ đến 25 năm trước khi kết thúc Đại hội VI, Đại hội đổi mới, Tổng Bí thư Trường Chinh nêu cao bài học “Lấy dân làm gốc”.

Từ xa xưa ông cha ta đã “Lấy dân làm gốc”, chiến tranh hoặc hòa bình, đều dựa hẳn vào dân để vượt mọi khó khăn. Đảng ra đời cũng “Lấy dân làm gốc”, đoàn kết toàn dân, muôn người như một mới đánh thắng thực dân và đế quốc. Đổi mới càng phải “Lấy dân làm gốc”, chiến tranh kinh tế dù không có bom đạn nhưng phải đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc còn hơn thời chiến tranh võ trang mới có thể tồn tại và phát triển trong cuộc cạnh tranh đòi hỏi rất nghiêm ngặt luôn luôn đổi mới, coi đổi mới là lẽ sống. Chất lượng hàng hóa và giá thành thay đổi chỉ trong vòng vài tháng, có khi một tháng đã thay đổi, năng lực cạnh tranh quyết định tất cả.

Từ nền kinh tế chỉ có một thành phần, rồi nhiều thành phần và các thành phần đều chung một mục tiêu tối thượng, chúng ta thấy càng phải thay đổi một cách căn bản trên phạm vi toàn xã hội nhận thức về bậc thang giá trị với thành phần kinh tế tư bản tư nhân, lấy việc đóng góp vào sự phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội để đánh giá công bằng các lực lượng tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, không kể họ thuộc thành phần kinh tế nào, thuộc tầng lớp hoặc giai cấp nào trong xã hội. Vì sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, chiến lược cơ bản của Đảng là tập hợp và đoàn kết mọi sức mạnh dân tộc hướng tới mục tiêu thống nhất: dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. “Lấy dân làm gốc” chính là thấu suốt chiến lược cơ bản trên đây của Đảng.

Chúng ta rất mừng là nền kinh tế ta hiện nay không còn đi tìm sự khác biệt, đặc thù khác người đến mức duy trì quá lâu cách làm ăn cũ. Từ Đại hội Đảng XI ta đã coi kinh tế tư nhân là động lực chủ yếu phát triển nền kinh tế, ta đã sẵn sàng thực hiện quy luật phát triển các quốc gia năng động, sáng tạo đều hướng tới từ bao nhiêu năm qua. Kinh tế tư nhân đã là thực tiễn sinh động ở các quốc gia phát triển và đang phát triển, là sức mạnh chủ lực làm nên các con Rồng kinh tế, chắc chắn kinh tế tư nhân cũng sẽ là thực tiễn sinh động ở nước ta.
Ngày 7/2/2014, ông Kim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng thế giới thăm Việt Nam. Với cái nhìn của một chuyên gia kinh tế tầm cỡ, ông đã nói: “Khu vực tư nhân là chìa khóa tương lai tăng trưởng kinh tế Việt Nam”.

Đổi mới đã 30 năm nhưng nền kinh tế ta vẫn chưa cất cánh mặc dù đã có những khởi sắc và phát triển nhất định. Nguyên nhân là vì thành phần kinh tế tư nhân mặc dù đã được nhận xét từ hàng chục năm qua là động lực phát triển của nền kinh tế nhưng đó chỉ là mới nói, mới được xác định trong các nghị quyết nhưng chưa đi được sâu vào hành động cụ thể. Cho đến nay hơn 90% thành phần kinh tế tư nhân vẫn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ… Dư luận rất băn khoăn, chờ đồng thuận thống nhất ý kiến thì đến bao giờ mới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó kinh tế tư nhân phải phát huy sức mạnh vốn có của nó như đã thể hiện rất sinh động, cụ thể ở một số nước cùng khu vực giàu có hơn ta, đã và đang bỏ ta xa.

Ngày 25/3/2015, tại cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Không phải chúng ta không quan tâm mà có quan tâm, có tiến bộ nhưng chúng ta chỉ so với chúng ta thôi là không được. Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao dân tộc mình chấp nhận được”.

Chúng ta không thể “đóng cửa bảo nhau” mãi, so sánh với nhau mãi. Không tiếp cận với nguồn trí tuệ khổng lồ của nhân loại đã làm khoảng cách trí tuệ của nước ta lạc hậu so với thế giới và ý thức xã hội của nước ta không bắt kịp với trí tuệ của nhân loại.

Cuối tháng 9/2015, Hiệp định TPP được ký kết. Điều này sẽ tạo ra sức ép to lớn buộc phải gấp rút đưa vào cuộc sống những luật chơi phổ cập trên trường quốc tế. Năng lực cạnh tranh sẽ vẫn là điều kiện sống còn. Muốn vậy, yếu tố tiên quyết sẽ là thành phần kinh tế tư nhân cũng như đội ngũ doanh nghiệp tư nhân phải được tạo mọi điều kiện công bằng để phát huy tối đa sức mạnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế tư nhân không thể chậm mãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO