20 doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội tiền 'khủng', kéo dài

Lê Bảo 27/03/2019 08:00

Ngày 26/3, tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT, BHXH, ông Đào Việt Ánh- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, mặc dù ngành bảo hiểm đã có nhiều phương pháp giảm nợ, song những tháng đầu năm số nợ vẫn gia tăng. Đáng chú ý, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM có tới hàng chục doanh nghiệp nợ tiền BHXH “khủng” từ gần 10 tỷ đồng đến hơn 32 tỷ đồng.

Nợ BHXH lên tới 6.654 tỷ đồng

Để giảm thiểu số nợ và bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động khi có phát sinh, BHXH Việt Nam đã áp dụng những giải pháp như: Thực hiện việc thanh tra tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên mà phần mềm thu đã tự động cảnh báo. Bên cạnh đó giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ đến từng cá nhân chuyên quản, hàng tháng, quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ để làm căn cứ bình xét hiệu quả công việc; hàng quý sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm nợ. Cụ thể, đến nay BHXH Việt Nam đã chuyển một số hồ sơ của các đơn vị nợ lớn kéo dài sang cơ quan công an để xử lý theo trình tự của pháp luật (Ví dụ: BHXH TPHCM đã chuyển 1 hồ sơ, BHXH Hà Nội đã chuyển 9 hồ sơ).

Tuy nhiên, theo ông Mai Đức Thắng – Phó trưởng Ban thu, BHXH Việt Nam, cho biết tính đến hết tháng 2, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trong toàn quốc là 6.654 tỷ đồng. Trong số này, tại Hà Nội, Công ty CP LILAMA 3 đang đứng đầu với số nợ lên tới hơn 32 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 1 (Hà Nội) nợ hơn 20 tỷ đồng; Công ty CP Cầu 12 (Hà Nội) nợ gần 20 tỉ đồng. Cùng đó một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment; Chi nhánh Công ty CP Ôtô Xuân Kiên VINASUKI – Nhà máy Sản xuất ôtô số 1 (huyện Mê Linh); Công ty CP Cơ khí xây dựng 121 CIENCO1... có số nợ từ 17 đến 19 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại TPHCM, Công ty TNHH Nam Phương đã đứng đầu bảng với số nợ đọng BHXH lên tới gần 29 tỷ đồng; Công ty CP Mai Linh miền Nam nợ gần 28 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn nợ gần 28 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp như: Công ty CP Vận tải Dầu khí Việt Nam; Công ty CP Xây dựng công nghiệp (Descon); Công ty TNHH Vinh Thùy; Công ty TNHH J-TEX VINA; Công ty TNHH Chợ Lớn Taxi; Công ty CP Sản xuất Giày Thượng Thăng và Công ty TNHH Dệt kim Fenix (Việt Nam) có số nợ đọng BHXH từ hơn 9 tỷ đến 15 tỷ đồng.

Tăng cường thanh tra

Lý giải nguyên nhân khiến công tác thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn, ông Thắng cho hay, do các doanh nghiệp gặp khó khăn, một số đơn vị chưa có ý thức chấp hành quy định về đóng các khoản bảo hiểm. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn còn cao. Một số đơn vị còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động sử dụng vào mục đích khác. Đặc biệt, các quy định về quản lý, xử lý nợ chưa có nên các doanh nghiệp “chây ỳ”.

“Nhiều doanh nghiệp vẫn trả lương, thưởng cho người lao động. Nhưng việc thanh toán số nợ BHXH thì không thực hiện. Đồng thời, vai trò cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp còn yếu. Một phần vì cán bộ công đoàn cơ sở nhận lương của doanh nghiệp nên khả năng đấu tranh với chủ doanh nghiệp không cao”- ông Thắng cho biết.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, trong Quý 1/2019, cơ quan BHXH tại 23 tỉnh, thành đã chuyển hồ sơ của 162 doanh nghiệp nợ BHXH sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của Luật Hình sự. Song tới nay, việc khởi tố chưa thực hiện được ở doanh nghiệp nào. Một trong những nguyên nhân là do vướng mắc trong quy trình triển khai. Vì vậy, BHXH Việt Nam,Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và một số cơ quan chức năng đang phối hợp xây dựng quy trình chuyển hồ sơ, thành phần hồ sơ và xử lý cụ thể trong thời gian tới.

Để hạn chế tình hình nợ BHXH, ông Đào Việt Ánh cho biết, BHXH VN đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Lao động, Liên đoàn,....) cùng cấp nhằm mục đích báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    20 doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội tiền 'khủng', kéo dài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO