4 'ngọn núi' nông dân phải vượt qua

Minh Phương (ghi) 31/07/2016 09:05

6 tháng đầu năm, kinh tế nông nghiệp tăng trưởng âm, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm tăng trưởng dương. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, điều đó cũng không quá bất ngờ bởi thời gian qua hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sâu ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, vai trò của người nông dân hết sức quan trọng để gỡ khó cho nông nghiệp, đưa ngành kinh tế trụ đỡ đi lên.

4 'ngọn núi'  nông dân phải vượt qua

Là trụ đỡ nền kinh tế nhưng tới nay nông nghiệp Việt Nam bộc lộ một số vấn đề cần tháo gỡ. 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế nông nghiệp tăng trưởng âm - điều chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỷ qua. Làm sao để cải thiện tình trạng này, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, mang lại đời sống ổn định cho người nông dân?

4 'ngọn núi'  nông dân phải vượt qua - 1

Ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: Chính sách không phải là ban phát

30 năm sau đổi mới có 3 giai đoạn chính sách dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trước tiên là giai đoạn chính sách “cởi trói”, trả quyền cho nông dân tự do hóa thương mại. Chính phủ trực tiếp chỉ đạo từ trên xuống dưới, cụ thể tới mức trồng cây gì, nuôi con gì. Giai đoạn thứ hai là chính sách tạo hành lang. Chính phủ không “cầm tay chỉ việc” quá nhiều mà chuyển sang quản lý, giám sát, định hướng giúp người nông dân… Đây là điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, giúp nông nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường thế giới. Ở thời điểm hiện tại là giai đoạn Chính phủ kiến tạo, mở đường, phối hợp phục vụ người dân. Có thể khẳng định, suốt thời gian dài sau đổi mới, chính sách đóng vai trò đột phá trong thành công của nền nông nghiệp Việt Nam, đưa Việt Nam từ nước thiếu gạo trở thành quốc gia có những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên dễ thấy, định hướng nông nghiệp vẫn là phát triển theo chiều rộng nên lượng hàng hóa xuất khẩu lớn nhưng lộn xộn, giá rẻ. 5 năm gần đây, tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm. Thậm chí, nửa đầu năm 2016, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm. Muốn thực sự thay đổi tác phong, chuyển từ nền nông nghiệp kém cạnh tranh sang sản xuất theo chiều sâu, nâng cao giá trị và sự bền vững thì phải thông qua chính sách, tuy nhiên mấu chốt là thay đổi tư duy về chính sách của cả người làm lãnh đạo lẫn người làm sản xuất, nông dân. Trước đây, có nhiều cách hiểu cho rằng, chính sách đơn giản là gói tiền lớn của Nhà nước để đem ra chia, hỗ trợ cho một số đối tượng. Cách hiểu đó hoàn toàn sai. Chính sách không phải là ban phát mà phải tạo động lực, kích thích để người dân tự phát huy nội lực của mình. Thái Lan là ví dụ khá điển hình khi quốc gia này trợ cấp nặng nề cho nông nghiệp, nhất là lúa gạo. Thái Lan trợ cấp cho nông dân trồng lúa cả đầu vào lẫn đầu ra làm méo mó thị trường và hậu quả là tồn kho gạo Thái Lan rất lớn như chúng ta đã chứng kiến. Tôi cho rằng, Việt Nam không nên như vậy. Chính phủ nên đầu tư tiền vào cơ sở hạ tầng, khuyến nông, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, kết nối thị trường... chứ không để nông dân ỷ lại vào sự hỗ trợ.

4 'ngọn núi'  nông dân phải vượt qua - 2

Ông Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới: Trong hệ thống các chính sách, bóng dáng người nông dân khá mờ nhạt

Nhìn thẳng vào thực tế, nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều, từ gạo, cà phê, hạt điều cho đến các loại trái cây, nhưng thực tế là bao nhiêu năm qua, nông nghiệp vẫn không thể cất cánh, người nông dân không thu nhập dư dả được từ sản xuất nông nghiệp. Mâu thuẫn của Việt Nam chính là ở chỗ: Sản xuất nhỏ trước thị trường lớn. Muốn tháo gỡ khó khăn, điểm mấu chốt phải làm là ở chính sách. Chính sách phải đúng và trúng thì nông nghiệp mới cất cánh được.

Suốt giai đoạn 2009-2014, Nhà nước ban hành tới 28 chính sách tương đối lớn về nông nghiệp, phân ra các lĩnh vực như đất đai, vốn tín dụng, sản xuất khuyến nông, thương mại và nông sản, dân sinh và nông thôn mới, khoa học công nghệ… Tuy nhiên, trong số đó chính sách về khoa học kỹ thuật không nhiều. Nghịch lý ở chỗ này. Vì để hội nhập, người nông dân phải vượt qua 4 “đỉnh núi” là vốn, khoa học kỹ thuật, thương hiệu và thị trường mà thiếu chính sách về một trong 4 yếu tố nói trên thì đều khó. Bởi vậy, thời gian tới chính sách cần điều chỉnh lại cơ cấu cho phù hợp.
Trong hệ thống các chính sách, điều đáng bàn là bóng dáng của người nông dân khá mờ nhạt, nhất là ở khâu đàm phán hợp đồng. Nông dân luôn được cho là chủ thể của sản xuất nông nghiệp, song không được sở hữu đất đai, không có quyền định giá sản phẩm của mình,… thì làm chủ cái gì? Rõ ràng, chính sách thời gian tới phải đổi thay điều này, trao cho nông dân thực quyền nếu không, nông dân cứ mãi khó, kinh tế nông nghiệp cứ mãi ậm ạch.

4 'ngọn núi'  nông dân phải vượt qua - 3

Ông Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam: Không bỏ ai lại phía sau

Chính phủ giúp nông dân kết nối đô thị, kết nối nông nghiệp và phải làm thế nào trong quá trình phát triển không một ai bị bỏ lại đằng sau. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, chưa được quy hoạch bài bản; chưa đầu tư mạnh về khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, nhất là về giống, chế biến, bảo quản. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu thô, chưa có chế biến sâu. Thêm vào đó, chất lượng nông sản chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuẩn quốc tế. Những hạn chế đó đã khiến nông sản Việt Nam xuất khẩu với giá thấp mặc cho nhu cầu quốc tế vẫn duy trì ở mức cao.

Nói xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục dễ khiến nhiều người phấn khởi quá đà. Bởi điều đó hé mở một thực trạng: Đó là nông dân làm nhiều hơn, nhưng thu nhập lại không tăng, hoặc tăng không đáng kể. Tóm lại, nông dân bỏ công sức lao động ra nhiều hơn để đạt được sản lượng kỷ lục nhưng hưởng lợi ít nhất trong chuỗi hàng hóa nông sản… Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trong đó có việc chúng ta hầu như chưa xây dựng và kiểm soát, minh bạch được chuỗi giá trị của các mặt hàng nông sản. Ngay như mặt hàng gạo, cà phê, hồ tiêu hay thủy sản thì tình trạng chung là nông dân cứ sản xuất, nhà buôn, thương lái cứ thu gom, doanh nghiệp cứ xuất khẩu. Số doanh nghiệp đầu tư bài bản theo kiểu đầu tư vùng nguyên liệu; kho bãi; hỗ trợ chuyển giao, tập huấn kỹ thuật, ứng vốn cho nông dân … rất hãn hữu. Nhiều lĩnh vực, khâu quản lý yếu kém khiến người nông dân bị động trong sản xuất như sự thao túng thị trường nguyên liệu vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thức ăn chăn nuôi giả, chất lượng thấp. Ở khâu đầu ra, nông dân cũng bị lép vế bởi doanh nghiệp thu mua giá thế nào thì bán thế đó. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân chưa hiệu quả, tính khả thi thấp; chậm điều chỉnh; chính sách đúng nhưng chậm triển khai thực hiện làm mất cơ hội tốt, hoặc chính sách đi vào thực hiện thì bị làm cho méo mó, sai lệch…

Sau mỗi năm, chúng ta lại nói về thành tích, kỷ lục sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản, nhưng thực tình mà nói, việc xây dựng chính sách để phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, ổn định khu vực nông thôn, hỗ trợ nông dân một cách thiết thực thì chưa được quan tâm thỏa đáng. Bởi vậy, tôi cho rằng, việc cần làm hiện nay là chúng ta cần xây dựng, điều chính chính sách cho nông nghiệp làm sao để sát thực tế, có tính khả thi hơn. Mặc dù thời gian qua cũng có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho tam nông song hiệu quả không cao, rất cần phải sửa đổi, bổ sung mới có thể đáp ứng được trong thời đại mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    4 'ngọn núi' nông dân phải vượt qua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO