Ba rào cản doanh nghiệp khi số hóa

Minh Phương 19/07/2019 08:00

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp Việt Nam gần như đã bước vào bên trong cánh cửa của nền kinh tế số. Vậy nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng chủ động nắm bắt được xu hướng này. Nguyên nhân chủ yếu là do tiềm lực không đủ mạnh. Đây là nhận định được giới chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển đổi số” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 18/7 tại Hà Nội.

Ba rào cản doanh nghiệp khi số hóa

Quang cảnh hội thảo.

Chuyển đổi số mang lại lợi thế gì cho DN?

Nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, khái niệm “chuyển đổi số” giờ đây đã không còn xa vời đối với các DN Việt Nam hiện nay. Bản thân mỗi DN nhỏ và vừa đều đã và đang sử dụng các ứng dụng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiêu biểu nhất là sự thâm nhập của Grab và Uber, những điển hình của kinh tế chia sẻ đã khuấy động nền kinh tế nước nhà, thổi vào đó một luồng gió mới. Và nói như các chuyên gia tham dự hội thảo, nếu DN không chuyển mình theo xu thế đó, chắc chắn sẽ tụt hậu.

Một chuyên gia đã từng có nhận định về “hiện tượng” Uber và Grab rất đáng lưu tâm: “Đây không đơn thuần là việc chúng ta chứng kiến sự chuyển đổi của xã hội trước các thành tựu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực, từ quyền lực tài chính sang quyền lực thông tin”. Tầng lớp tri thức, những cá nhân có kỹ năng cao, có tri thức và có năng lực sáng tạo sẽ hợp thành lực lượng xã hội đóng vai trò dẫn dắt phát triển. Những DN đầu tư công nghệ mạnh, có lực lượng lao động trí thức sáng tạo và hùng hậu sẽ là những DN có khả năng bứt phá mạnh.

Chuyển đổi số mang lại những lợi thế gì cho các DN? Đây là câu hỏi được phần lớn các DN nhỏ và vừa quan tâm nhất hiện nay. Theo ông Hồ Tú Bảo, chuyên gia lĩnh vực kinh tế số, có vô vàn cơ hội cho các DN nhỏ và vừa. Chỉ đơn giản lấy một ví dụ thế này, một nhà hàng có thể sử dụng máy tính để ghi lại dữ liệu quá trình kinh doanh của mình một cách tỉ mỉ nhất, và từ những dữ liệu đó, sau mỗi ngày, họ có thể tính toán được xem nên giảm sản phẩm gì, tăng sản phẩm gì trong thực đơn của ngày hôm sau đó, để tránh tình trạng dư thừa, lãng phí… Trong khi, nếu kinh doanh kiểu truyền thống ngày trước, nhà hàng đó sẽ không có dữ liệu để tính toán được những chi tiết nhỏ như vậy, và kết cục là ngày hôm sau họ sẽ tiếp tục cung cấp vào thực đơn những món ăn mà hôm trước rất ít khách quan tâm.

Những lợi ích của việc chuyển đổi số đối với các DN là việc dễ dàng nhận ra, song thực tế, không phải DN nào cũng “muốn là được”. Không phải vì DN đó không quan tâm, thờ ơ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà do tiềm lực quá hạn hẹp, nhiều DN rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm”.

Người lãnh đạo có vai trò quyết định

Chia sẻ tại hội thảo về những thách thức khi các DN Việt chuyển đổi số, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Bộ phận Dịch vụ tài chính ngân hàng Ernt &Young Việt Nam cho rằng, có 3 thách thức rất lớn đặt ra đối với các DN nhỏ và vừa. Thách thức đầu tiên là hạ tầng. “Nếu có hạ tầng tốt, các DN sẽ đi rất nhanh. Giống như đi trên một con đường, dù xe có tốt đến mấy mà đường gồ ghề, tắc nghẽn thì cũng không thể đi nhanh được” – bà Dương dẫn chứng. Thứ hai, bà Dương nhắc đến đó là khó khăn về nguồn lực. Các DN nhỏ và vừa hiện nay vẫn loay hoay với cơm áo gạo tiền. Nên nếu để lựa chọn việc đầu tư vào công nghệ để thay đổi bản thân hay vận hành công nghệ cũ mà vẫn kiếm ra tiền, thì các DN sẽ phải cân đo đong đếm.

Đặc biệt, theo bà Dương, ưu thế của các DN nhỏ và vừa là có thể chuyển đổi số nhanh và dễ dàng hơn các DN lớn. Riêng về mặt thời gian, các DN lớn sẽ phải mất đến 5 năm để hoàn thành việc chuyển đổi số, trong khi các DN nhỏ và vừa mất ít hơn nhiều. Và một thách thức nữa chính là quyết tâm của người lãnh đạo. Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng khi ở vị trí có thể dẫn dắt cả một công ty, một DN. Chính vì vậy, người lãnh đạo phải có quyết tâm cao khi bước vào công cuộc chuyển đổi số để từ đó lan tỏa ra cả hệ thống DN của mình.

Đồng quan điểm, ông Hồ Tú Bảo cũng cho rằng, tất cả các DN muốn chuyển đổi số, yếu tố tối quan trọng chính là người lãnh đạo. Người lãnh đạo chính là đầu tàu do đó, ý chí quyết tâm của người chủ DN sẽ kéo cả đoàn tàu đi theo. “Người lãnh đạo phải “truyền lửa” được cho các thành viên trong toàn công ty, sau đó mới đến các yếu tố công nghệ” - ông Bảo nhấn mạnh.

“Trở ngại về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực và khiếm khuyết của bản thân DN là rất lớn, song Việt Nam và DN Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục, giảm thiểu được những trở ngại đó. Kinh nghiệm hơn 30 năm đổi mới, cải cách và hội nhập với biết bao thăng trầm là minh chứng sinh động nhất để khẳng định điều đó” - PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ba rào cản doanh nghiệp khi số hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO