Bài 3: Cần công khai thông tin và quyền giám sát của người dân

Thanh Hải - L.H. 15/08/2015 09:20

Đất đai là lĩnh vực thiết yếu, ảnh hưởng toàn diện đến đời sống người dân. Chính vì vậy, quyền tiếp cận thông tin về đất đai đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Khi người dân được giám sát

Dù là xã miền núi nghèo (tỷ lệ hộ nghèo lên đến 38,32%) nhưng trong năm 2014, người dân Kim Hóa (Tuyên Hóa - Quảng Bình) đã hiến hàng ngàn mét vuông đất, đóng góp ngày công cùng chính quyền địa phương hoàn thành nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Kết quả này có được nhờ chính quyền và người dân đã tìm được sự đồng thuận trong quản lý, sử dụng đất đai.

Ông Lê Xuân Hoài, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình cho biết, được sự giúp đỡ của Liên minh Đất đai (Landa) và Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) ngày 17/10/2014, hai thôn Kim Lũ và Kim Tiến, xã Kim Hóa đã thành lập 2 Ban Giám sát cộng đồng và ban hành quy chế hoạt động để thực hiện việc giám sát tiến trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương.

Ban được thành lập theo chu kỳ 2 năm, gồm 9 thành viên, trong đó có đại diện của các Hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, Đoàn thanh niên thôn và 4 người được người dân tín nhiệm thông qua biên bản họp thôn. Trưởng ban do đại diện người dân đảm nhiệm.

“Dù Dự án mới được triển khai, nhưng việc tuyên truyền và thành lập Ban Giám sát tại 2 thôn đã giúp người dân và cán bộ chính quyền địa phương được nâng cao năng lực, nhận thức quyền lợi, nghĩa vụ, vai trò và trách nhiệm của mình trong thực thi Luật Đất đai và các văn bản chính sách liên quan” - ông Hoài nói.

Nếu mô hình Ban Giám sát cộng đồng được các cơ quan có thẩm quyền công nhận và được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan quản lý tại địa phương thì không chỉ tạo sự đồng thuận trong nhân dân mà còn phát huy việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.

Cần trao quyền giám sát cho người dân

Việc cung cấp thông tin về đất đai theo quy định pháp luật là trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Chính vì vậy, hiện nay chúng ta có khá nhiều văn bản quy định về công khai thông tin về đất đai, kể cả Luật Phòng, chống tham nhũng...Tuy nhiên, thực tế việc công khai các thông tin về đất đai chưa được thực hiện nghiêm túc ở các địa phương.

Việc công khai thông tin không chỉ nhằm phát huy nguồn lực đất đai một cách hiệu quả, tiết kiệm chi phí giao dịch của doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình tìm kiếm thông tin, một trong những công cụ để phòng, chống tham nhũng và tự do tiếp cận thông tin được xem là điều kiện tiên quyết trong một nền kinh tế thị trường…

Chính vì vậy, các văn bản hướng dẫn thi hành cần quy định chi tiết hơn về trách nhiệm công bố, công khai thông tin.

Song vấn đề đặt ra hiện nay là cần tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong quản lý và sử dụng đất đai và cần có những hướng dẫn chi tiết về thực thi quyền giám sát của người dân đối với việc quản lý và sử dụng đất đai theo Điều 199 Luật Đất đai năm 2013.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Nếu thực hiện tốt quyền giám sát của người dân sẽ góp phần tạo sự ổn định xã hội; phòng, chống tham nhũng; tạo sự công bằng trong quản lý đất đai; nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ được quyền và lợi ích của nhóm yếu thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 3: Cần công khai thông tin và quyền giám sát của người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO