Bàn cách vực dậy nền kinh tế

Thuý Hằng 16/05/2020 08:00

Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch Covid-19 là câu hỏi nóng cần tìm được lời giải đáp sớm. Nguyên viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, việc giải cứu nền kinh tế phải tập trung vào các doanh nghiệp còn nguồn lực để vực dậy, dành nguồn lực cứu trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tại buổi nói chuyện làm “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch Covid-19” diễn ra vào ngày 15/5, TS Trần Đình Thiên (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nói, dịch Covid-19 làm đứt chuỗi (từ thấp đến cao) nhưng rõ ràng có thể nhìn thấy sau Covid-19 là yếu tố để kích di chuyển thay đổi cấu trúc. Theo TS Thiên, vậy vấn đề là nối lại hay thay chuỗi đi, hoặc là phải tạo ra chuỗi mới. Với Việt Nam điều này vô cùng quan trọng.

Về vấn đề cứu trợ để DN hồi phục, theo TS Trần Đình Thiên hiện cấu trúc DN của Việt Nam còn yếu. Có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không có tính kết nối. Cấu trúc kinh tế này khiến Việt Nam khó phục hồi, khó trở lại trạng thái “bình thường mới” sau dịch.

Theo TS. Trần Đình Thiên, việc giải cứu nền kinh tế phải tập trung vào các doanh nghiệp còn nguồn lực vực dậy, dành nguồn lực cứu trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Nếu cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch bệnh vẫn là nền kinh tế cũ (li ti, nhỏ và vừa) nếu cứu các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chúng ta sẽ có nguồn lực mới, nền kinh tế mới. Dịch Covid-19 là lý do để thay máu nền kinh tế tốt nhất’ - TS. Trần Đình Thiên chia sẻ quan điểm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây đình trệ giao thương, đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề... Độ trễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh còn kéo dài nếu không có giải pháp khắc phục rất nguy hiểm.

Theo quan điểm của PGS. TS Nguyễn Đức Thành, ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ khiến những doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống - tiếp xúc trực tiếp với đối tác, người tiêu dùng chịu tác động lớn. Ngược lại, những doanh nghiệp đã sở hữu nền tảng bán hàng, giao dịch trực tuyến sẽ vươn lên.

Từ bước chuyển mình của Alibaba khi dịch SARS bùng phát năm 2003, có thể khẳng định kinh tế số sẽ giảm thiểu tối đa chi phí mặt bằng, hàng tồn kho – những vấn đề lớn của doanh nghiệp hiện nay và trở thành xu thế của kinh tế thế giới. “Đây là cơ hội để Việt Nam ươm mầm các startup trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ, thương mại điện tử” - ông Thành chia sẻ.

Thực tế một số ngành có thể sớm tận dụng lợi thế của công nghệ số để tạo nên thay đổi lớn về sản lượng, năng suất như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải - logistic, tài chính - ngân hàng.

Giới chuyên gia cho rằng, để khôi phục nền kinh tế sau dịch, việc cần làm là đánh giá các tác động của dịch bệnh tới các ngành, lĩnh vực, cả nền kinh tế; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như: Nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bàn cách vực dậy nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO