Bàn giải pháp cải thiện kinh tế - xã hội vùng Bảy Núi

Quốc Khánh – Toha Kim 17/11/2016 15:30

Bảy Núi là vùng đồi núi, dân cư thưa thớt. Toàn vùng có dân số 256.408 người, chiếm 12% dân số của toàn tỉnh An Giang. Đây cũng là vùng có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 30% dân số của vùng. Đồi núi chiếm phần lớn diện tích của vùng, có 3 khu vực núi tập trung là núi Cấm, núi Dài và núi Tô.

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 17/11, UBND tỉnh An Giang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo: “Phát triển kinh tế xã hội vùng Bảy Núi, An Giang” với 5 chuyên đề như: Đề xuất các giải pháp khai thác nguồn tài nguyên; Xây dựng vùng nguyên liệu cây gấc phục vụ chế biến xuất khẩu, phát triển mô hình nông lâm kết hợp; Phát triển kinh tế và du lịch vùng Bảy Núi; Phát triển các công nghệ sản xuất thực phẩm an toàn; Đánh giá thực trạng khai thác, sử dụng, bảo tồn các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và xây dựng quy trình sản xuất thực phẩm chức năng.

Bảy Núi là vùng đồi núi, dân cư thưa thớt. Toàn vùng có dân số 256.408 người, chiếm 12% dân số của toàn tỉnh An Giang. Đây cũng là vùng có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 30% dân số của vùng. Đồi núi chiếm phần lớn diện tích của vùng, có 3 khu vực núi tập trung là núi Cấm, núi Dài và núi Tô.

Đây là vùng có nhiều rừng nhất của tỉnh An Giang, trong đó diện tích rừng chiếm 12,5% diện tích đất tự nhiên của vùng. Do đó có ý nghĩa quan trọng về mặt sinh thái, dược liệu, du lịch…

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Võ Quang Minh - Khoa Tài nguyên và môi trường, ĐHCT cho biết: Đất đồi vùng Bảy Núi rất nghèo dinh dưỡng, tầng canh tác mỏng tỉ lệ cát cao nên canh tác cây trồng thường đạt hiệu quả kinh tế thấp.

Việc khai thác tài nguyên đất, nước, rừng chưa đi vào chiều sâu. Bên cạnh nguồn tài nguyên nước các hệ sinh thái rừng đa dạng phong phú và giàu giá trị…Vì vậy cần đánh giá tiềm năng đất đai cho việc phát triển một số cây trồng chủ lực của vùng Bảy Núi; đánh giá trữ lượng nước, chất lượng nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt tại vùng Bảy Núi bằng việc thiết kế các thiết bị xử lý nước, lắp đặt và chuyển giao công nghệ; cần phát triển các loại cây trồng có triển vọng; sử dụng tiết kiệm nguồn nước, sử dụng các thiế bị xử lý nước ngầm; tận dụng những tiềm năng hiện có của các sản phẩm rừng…

Là một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu, TS.Phạm Hữu Đặng - Khoa Kinh tế, ĐHCT cho rằng: Tăng trưởng kinh tế của vùng Bảy Núi khá cao và ổn định. Trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng từ 14-18%/năm trong giai đoạn 2013-2015, nông nghiệp từ 4-5%. An Giang là tỉnh có số lượng khác đến tham quan du lịch nhiều nhất ĐBSCL. Năm 2014 toàn tỉnh có 5,7 triệu lượt khách và 6,25 triệu lượt khách vào năm 2015.

Hồ Soài Check - nơi tham quan du lịch lý tưởng vùng Bảy Núi.

Tuy nhiên phần lớn khách đến tham quan du lịch tại An Giang nói chung và Bảy Núi nói riêng đều không lưu trú. Nguyên nhân còn mang tính tự phát, quy mô và điểm du lịch còn chưa đủ lớn, hấp dẫn, trong khi đó tiềm năng du lịch của vùng này còn rất lớn. Nhiều mô hình trồng trọt dưới tán rừng trên sườn núi đã được nông dân thực hiện và mang lại hiểu quả như cam, quýt, dâu, thanh long…

Tuy nhiên trừ mặt hàng lúa có liên kết còn lại là không liên kết. Đây là vùng có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Tuy nhiên vùng này có nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, có nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia như: Đồi Tức Dụp, nhà mồ Ba Chúc, chùa Phật Lớn, tượng phật Di Lạc…

Do vậy có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch tâm linh. Bên cạnh có đường biên giới chung Campuchia nên có tiềm năng lớn phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch thông qua cửa khẩu. Vì vậy cần xây dựng định hướng và giải pháp tổng thể phát triển du lịch vùng Bảy Núi; nghiên cứu phát triển mô hình kết hợp du lịch tâm linh - nghỉ dưỡng với sử dụng dược liệu địa phương; cải thiện sinh kế và nâng cao thu thập cho người dân…

Đánh giá về tìm năng dược liệu của vùng Bảy Núi, TS Đặng Minh Quân (Khoa Sư phạm, ĐHCT) cho biết: “Hệ thực vật làm dược liệu ở vùng Bảy Núi đa dạng không kém đảo Phú Quốc. Ở vùng này cây thuốc được trồng và thu hái không chỉ để trị bệnh tại nhà, địa phương mà còn cung cấp cho Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long...và nhiều công ty dược liệu. Tuy nhiên nguồn nguyên liệu đã và đang dần cạn kiệt, nhiều loài cây tuyệt chủng hoặc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân do việc khai thác quá mức mà chưa quan tâm đến việc bảo tổn, quy hoạch và phát triển”.

Tại hội thảo ông Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh An Giang cho rằng, hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có nhiều chỉ tiêu về mặt kinh tế không đạt được như tái cơ cấu kinh tế, quá trình đô thị hóa không xảy ra…do vậy chưa phát huy thế mạnh của vùng. Do vậy các loại cây trồng, hoa màu cần có sự chuyển đổi để gia tăng giá trị; nông nghiệp phải chuyển hướng theo nông nghiệp đô thị; chăn nuôi cần phát triển theo hướng hình thức trang trại; khai thác các loại khoáng sản chủ yếu là vật liệu xây dựng theo hướng bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế biên giới cần có những giải pháp những ứng dụng thiết thực.

Cũng tại hội thảo một số đại biểu đặt vấn đề là cần quy hoạch vùng trồng cây dược liệu và cần xác định đơn vị nào sẽ đứng ra bao tiêu sản phẩm; cần xác định loại cây trồng, vật nuôi nào để phát triển kinh tế vùng Bảy Núi; việc tận dụng phụ phẩm từ cây chuối cấy mô để việc phát triển chăn nuôi có thích hợp; nhiều loại loại cây dược liệu được bán hàng tấn mỗi ngày mà không được quy hoạch trồng, thậm chí để lấy từ Campuchia…

Tại hội thảo, ông Phạm Quốc Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo TNB) cho rằng: Vùng đất Bảy Núi hội tụ nhiều tiềm năng như: du lịch tâm linh, hợp tác xuyên biên giới…Tuy nhiên đối mặt với nhiều thách thức. Do vậy cần xây dựng khu du lịch mang tâm cỡ vùng và quốc gia; cần xác định thực trạng của vùng Bảy Núi và sự phát triển của nó; cần đưa ra định hướng phải phát của vùng trước mắt là nông nghiệp hay du lịch…

Kết thúc buổi hội thảo, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định: Vùng Bảy Núi xem như nóc nhà của vùng ĐBSCL với nguồn tài nguyên phong phú. Tuy nhiên việc khai thác vẫn chưa xứng với tiềm năng của vùng. Đây là vùng này có vị trí đặc biệt quan trọng bởi có nhiều đặc thù. Do vậy cần nguyên cứu phát triển kinh tế xã hội phải gắn với văn hóa của đồng bào Khmer, phát triển kinh tế phải giữ được tính đặc thù mà không phá vỡ nét đặc trưng của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bàn giải pháp cải thiện kinh tế - xã hội vùng Bảy Núi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO