Bấp bênh ở vựa trái cây - Bài 2: Mạnh ai nấy làm

Quốc Trung 20/09/2017 08:35

Đến bao giờ vào mùa thu hoạch rộ trái cây vùng ĐBSCL mới hết cảnh bán đổ, bán tháo. Chính quyền địa phương làm sao giải quyết được tình trạng sản xuất ồ ạt, chạy theo thị trường không theo một quy hoạch cụ thể, mạnh ai nấy làm…

Nông dân sản xuất trái cây ĐBSCL cần được nhà nước tiếp sức.

Thiếu liên kết

Ở Tiền Giang nhiều năm nay, giá trái thanh long luôn phập phồng theo hướng đi xuống. Ông Nguyễn Văn Ðời, ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang cho rằng: Giá trái thanh long ruột đỏ chỉ cần có giá trên dưới 40.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg là nông dân lời đậm, nhưng nay giá thanh long ruột đỏ giảm còn 10.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 4.000 đến 6.000 đồng/kg, khiến nông dân lo lắng, đứng ngồi không yên.

Thời gian qua Tiền Giang và Long An được xem là thủ phủ của thanh long ở miền Tây, diện tích trồng ở 2 tỉnh liên tục tăng, không có sự thống nhất hay liên kết. Một vài năm gần đây thấy người dân ở 2 tỉnh này trồng thanh long có lời, nông dân một số tỉnh như Vĩnh Long, Ðồng Tháp, Trà Vinh… cũng đổ xô trồng thanh long. Từ đó diện tích ngày càng “nở nồi”, sản lượng tăng cao, trong khi đầu ra liên tục giảm, dẫn đến rớt giá thảm.

TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam, nhận định: “ÐBSCL có nhiều loại trái cây ngon, nhất là bưởi da xanh đang được thị trường quốc tế ưa chuộng.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp nước ngoài đặt điều kiện để nhập khẩu trái cây với số lượng, độ đồng đều về kích cỡ, mầu sắc… thì nhiều địa phương ở ÐBSCL không “dám nhận”; bởi các tỉnh chưa có sự liên kết trong quy hoạch, sản xuất, thời vụ thu hoạch… Vì vậy, chưa thể bảo đảm số lượng và chất lượng trái cây để cung ứng dài hạn cho đối tác”.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực cây ăn quả cũng cho rằng: sản xuất trái cây ở ĐBSCL vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có liên kết sản xuất nên khó có số lượng lớn, đồng đều chất lượng.

Diện tích trồng cây ăn trái trung bình mỗi hộ còn thấp (phổ biến từ 0,3 đến 0,5ha) và thiếu tập trung (ngoại trừ cây khóm và cây thanh long có vùng trồng khá tập trung).

Chính sự phân tán và quy mô sản xuất nhỏ lẻ trong khi lại thiếu liên kết giữa các hộ dẫn đến tình trạng rất khó kiểm soát chất lượng trái cây cung ứng cho thị trường.

Nhà vườn dựa vào kinh nghiệm là chính, mỗi hộ có cách áp dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. Tình trạng này dẫn đến trong cùng một loại trái cây nhưng chất lượng và an toàn thực phẩm khác nhau. Các doanh nghiệp khó có được khối lượng hàng đủ lớn với chất lượng đảm bảo và đồng đều về kích thước, ngoại hình trái.

Đồng Tháp có nhiều mô hình HTX sản xuất hoạt động hiệu quả.

Nhà nước cần hỗ trợ hơn nữa

PGS TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn nữa để nông dân liên kết với nhau từ sản xuất đến tiêu thụ, chúng ta đang làm, nhưng phải làm quyết liệt và quyết tâm hơn nữa.

Trong mối liên kết 4 nhà, thì Nhà nước cần giữ vai trò “nhạc trưởng” tích cực hơn để hình thành vùng chuyên canh lớn, đưa được sản phẩm vào các siêu thị trong nước.

Tại ĐBSCL, phần lớn các HTX chuyên về trái cây có diện tích rất nhỏ, trong khi thị trường nước ngoài đặt số lượng lớn nhưng HTX có sản lượng ít nên không dám ký hợp đồng.

Đơn cử như HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hoà (Bình Minh, Vĩnh Long) được hình thành từ năm 2006 với diện tích trồng bưởi đạt chuẩn GlobalGAP là 26,65 ha, tuy nhiên không bền vững vì hiện các thành viên đang loay hoay tìm nguồn vốn để tái chứng nhận tiêu chuẩn này.

Các HTX ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung chưa hoạt động hiệu quả. Sản xuất và lưu thông phân phối sản phẩm chưa theo chuỗi giá trị, mà bị cắt khúc nên dù nông dân bán ra với giá thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá rất cao.

Còn nhớ trong hội nghị sơ kết 5 năm (2012 – 2017) thực hiện Luật Hợp tác xã hồi tháng 6/2017 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận định: Chúng ta đang phát triển một nền kinh tế thị trường mà nền kinh tế thị trường chưa hoàn hảo và còn bất đối xứng.

Đầu vào ít người bán mà lại lắm người mua, còn thị trường đầu ra ít người bán mà lại nhiều người mua cũng là bất cân xứng.

Và thua thiệt đổ lên đầu người nông dân, do đó ta phải liên kết lại với nhau mà không liên kết thì không có sức mạnh, một mình hộ nông dân là không thể làm được chuyện ấy, cái này là cái tính tất yếu của nó. Hợp tác xã là một tổ chức cung ứng thị trường đầu vào và kết nối các dịch vụ đầu ra cho người nông dân…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bấp bênh ở vựa trái cây - Bài 2: Mạnh ai nấy làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO