Bất động sản khó “sốt”

Minh Phương 21/07/2015 10:10

Giao dịch bất động sản tăng, thị trường nóng lên. Đặc biệt, những kênh đầu tư trước đây được coi là hấp dẫn như vàng, gửi tiết kiệm… không còn được các nhà đầu tư quan tâm. Thực tế này khiến dư luận lo ngại bất động sản sẽ có nguy cơ … lên cơn sốt, bong bóng bất động sản có thể quay trở lại như thời điểm cách đây 6, 7 năm.

Ảnh Hoàng Long

Hồi phục và tăng nóng giao dịch

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giao dịch bất động sản thành công từ giữa năm 2014 đến nay liên tục tăng. Song, tăng trưởng ấn tượng hơn cả vẫn là thời điểm 6 tháng đầu năm 2015 với khoảng 14.000 giao dịch thành công, riêng giao dịch tại Hà Nội tăng gấp 2,5 lần và tại TP Hồ Chí Minh, con số này là xấp xỉ 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với xu hướng giao dịch trên thị trường bất động sản tăng nóng, tín dụng bất động sản cũng gia tăng trong nửa đầu năm 2015. Nếu so với đầu năm 2012, tín dụng bất động sản đã tăng tới 70%. Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản trong những tháng đầu năm 2015 đạt trên 333.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thời điểm cuối năm 2014.

Những con số nói trên cho thấy, thị trường bất động sản đang sôi động trở lại. Đúng như dự đoán của giới chuyên gia, thị trường bất động sản đã thoát đáy, đã bước vào giai đoạn hồi phục và bắt đầu ấm lên với hàng chục ngàn các giao dịch thành công.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá: Cùng với giá bất động sản đã đi vào xu hướng ổn định, xu hướng giao dịch trên thị trường này cũng đang tăng trưởng khá mạnh mẽ và theo hướng bền vững. Dòng tiền của ngân hàng chủ yếu chảy vào thị trường bất động sản. Đây là tín hiệu đáng mừng của thị trường bất động sản.

“Bong bóng” khó xuất hiện

Ngược lại với thị trường bất động sản, thị trường vàng đang đón hàng loạt những biến động mạnh mẽ do tác động của nền kinh tế thế giới. Giá vàng liên tiếp hạ trong nhiều tháng qua khiến nhiều nhà đầu cơ thận trọng hơn với việc đầu tư vào thị trường này. Đây cũng là một trong những lý do khiến dòng tiền xoay chiều chảy vào thị trường bất động sản nhiều hơn. Thực tế này đang khiến các nhà đầu tư, dư luận xã hội bày tỏ lo ngại: Thị trường bất động sản có nguy cơ sốt giá trở lại, bong bóng bất động sản có thể sẽ lại hiện hữu.

Trên thực tế, không thể phủ nhận những lo ngại của dư luận là có cơ sở. Bởi cùng với việc giao dịch ấm lên, giá bất động sản nhiều nơi cũng đã được đẩy lên. Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cùng với đà đi lên của thị trường bất động sản, giá căn hộ cũng có xu hướng tăng từ 3-5%. Việc tăng giá này chủ yếu tập trung tại những dự án có tiến độ tốt, chuẩn bị hoàn thành, đặc biệt có lợi thế về vị trí và hạ tầng cơ sở tốt. Ngoài ra, cũng theo VNREA, những dự án thuộc phân khúc trung bình, tập trung vào các căn hộ diện tích nhỏ, có vị trí tốt dễ cho thuê, dự án của các chủ đầu tư uy tín… cũng ghi nhận mức tăng nhẹ về giá.

Tất cả những diễn biến nói trên một mặt phản ảnh những tín hiệu vui của thị trường bất động sản, song mặt khác cũng dấy lên những mối lo về khả năng thị trường này sẽ lại… lên cơn sốt. Tuy nhiên, nhận định về khả năng này, không ít chuyên gia cho rằng, hiện tượng sốt giá, bong bóng bất động sản là khó xảy ra.

Lý do được TS Nguyễn Trí Hiếu lý giải, hầu hết các giao dịch hiện nay trên thị trường đều xuất phát từ nhu cầu thực, nghĩa là người mua cần nhà để ở, điều này là điểm khác biệt cơ bản so với trước đây – thời kỳ bất động sản “sốt giá” – nhiều người mua nhà chỉ với mục đích đầu cơ. Thêm vào đó, nếu như trước đây, giao dịch phần lớn dưới dạng hợp đồng góp vốn, giao dịch trên giấy là chính khiến giá bất động sản bị đẩy lên nhiều lần nên mới dẫn tới hiện tượng “bong bóng bất động sản”. Thì ở thời điểm này, giá bất động sản tăng phần lớn do yếu tố hạ tầng, vị trí và đặc biệt là tăng nhờ điểm chất lượng. Do đó sẽ khó có chuyện giá ảo như thời điểm cách đây 6, 7 năm.

Ngoài ra, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, khi giao dịch tăng lên thì khả năng đầu cơ trở lại là điều không tránh khỏi.

“Song, vấn đề chính ở đây là chúng ta sẽ kiểm soát không để thị trường nóng tạo ra bong bóng bất động sản”- ông Dũng nhấn mạnh và khẳng định: “Muốn làm được điều này trước hết cần tăng cường kiểm soát sự phát triển của các đô thị, kiên trì các giải pháp kiểm soát thị trường bất động sản với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, tức là cân đối cung cầu. Chiến lược nhà ở quốc gia đưa ra cầu để cải thiện nhà ở cho người dân thì thị trường bất động sản cũng phải đáp ứng cầu đó, nếu được như vậy chắc chắn sẽ phát triển bền vững”.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng gửi thông điệp rằng, việc tăng cường kiểm soát các dự án bất động sản và tiếp tục cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản để cân đối cung - cầu là việc cần duy trì hiện nay.

Do đó, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các địa phương cần tập trung xây dựng các khu đô thị, thành lập ban quản lý phát triển đô thị để cân đối nhu cầu các nguồn lực và dự báo khả năng phát triển nhà ở của từng khu vực. Từ đó mới có thể kiểm soát, khắc phục tình trạng phát triển tự phát phong trào gây nên sự chênh lệch cung - cầu và khó khăn cho thị trường bất động sản như trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất động sản khó “sốt”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO