BHXH tự nguyện: Không khống chế tuổi trần, hạ mức sàn

Lục Bình (thực hiện) 20/09/2015 09:05

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ LĐTB&XH Trần Thị Thúy Nga cho biết: Rất nhiều giải pháp để thu hút người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt Chính phủ sẽ hỗ trợ một phần để người lao động có thể tham gia BHXH, có lương hưu khi về già.

Bà Trần Thị Thúy Nga.

PV: Chính phủ mong muốn phủ rộng mạng lưới an sinh đến tất cả người dân bằng hệ thống BHXH tự nguyện. Tuy nhiên có vẻ người lao động (NLĐ) ở khu vực không chính thức tham gia BHXH tự nguyện chưa nhiều, thưa bà?

Bà Trần Thị Thúy Nga: Đảng, Nhà nước rất quan tâm mở rộng BHXH đối với khu vực phi chính thức. Từ năm 2008 loại hình BHXH tự nguyện đã ra đời áp dụng với những người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Đã tham gia BHXH dù là tự nguyện hay bắt buộc, các chính sách cơ bản tương đồng với nhau vẫn bao gồm hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Đích cuối cùng của công cuộc phủ rộng BHXH là để làm sao Nhà nước phải giúp người dân tiết kiệm một phần thu nhập khi còn trẻ, khỏe để khi về già có lương hưu, có BHYT.

Tuy nhiên, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện chưa nhiều, đến nay mới chỉ chiếm 0,39% tham gia. Vì thế, Luật BHXH 2014 sửa đổi đã đưa ra các giải pháp nhằm thu hút nhóm này tham gia ngày càng nhiều hơn nữa vào hệ thống BHXH. Chẳng hạn, Luật có những quy định mới, như không khống chế tuổi trần tham gia BHXH; NLĐ sau 60 tuổi cũng có thể tham gia BHXH để đủ điều kiện 20 năm đóng BHXH hưởng lương hưu. Đồng thời, hạ mức sàn thu nhập đóng BHXH tự nguyện xuống.

Ví dụ, năm 2015 mức sàn đóng là tiền lương cơ sở là 1.150.00đ, NLĐ đóng 20% số tiền này. Số tiền này là cao với phần đông lao động thuộc nhóm phi chính thức. Thế nên, Quốc hội quyết định hạ mức sàn đóng xuống từ mức tiền lương cơ sở thành chuẩn nghèo của khu vực nông thôn. Theo đó, NLĐ sẽ nhiều cơ hội tham gia BHXH.

Nhiều ý kiến cho rằng, có rào cản khiến NLĐ khu vực phi chính thức không tham gia BHXH như, quy định của luật pháp, hạn chế trong tổ chức thực hiện...

Cá nhân tôi cho rằng có lý do, tâm thế của người dân chưa thực sự quan tâm đến BHXH. Đối với cư dân khu vực phía Bắc do có tính phòng bị nhiều, nên họ tham gia BHXH nhiều hơn. Dù thế nhưng vì các gia đình ở Bắc Bộ thường có truyền thống tam, tứ đại đồng đường cùng sinh sống, có tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con”, nên cũng ảnh hưởng đến tâm lý NLĐ, cản họ tham gia BHXH.

Đối với cư dân khu vực phía Nam, thiên nhiên ưu đãi cũng khiến một số người không quan tâm đến BHXH. Trong khi đó, thời gian qua, công tác truyền thông của BHXH Việt Nam mới được thực hiện 6 năm chưa phải là thời gian nhiều để cho rằng công tác tổ chức thực hiện chưa tốt. Nhưng rõ ràng, cách tiếp cận của chúng ta là, chưa thực sự phù hợp với NLĐ.

Ngay cả việc khuyến khích NLĐ tham gia BHXH bằng cách buộc người sử dụng lao động phải đóng BHXH khi có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Tuy nhiên điều này cũng không khiến số NLĐ tham gia BHXH nhiều hơn thưa bà?

-Đó là BHXH bắt buộc. Hiện nay nhiều NLĐ làm việc với doanh nghiệp mà không được tham gia BHXH vì luật BHXH có ghi rõ, hợp đồng lao động từ 3 tháng phải đóng BHXH. Tuy nhiên, người ta sẽ lách bằng cách ký 2 tháng hoặc 2 tháng rưỡi sau đó nghỉ vài ngày rồi ký lại. N

ắm được thực trạng này, Luật BHXH 2014 đã xử lý bằng cách, cứ có hợp đồng lao động là thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, các điều luật này đến năm 2018 mới thực hiện vì phải có đủ thời gian để NLĐ, chủ sử dụng lao động chuẩn bị tâm thế cũng như điều kiện vật chất để thực hiện.

Cá nhân bà có nêu thêm giải pháp gì để nâng cao số lượng NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH?

- Về chính sách, hiện các phương thức đóng BHXH rất linh hoạt. Trước đây ta đóng hàng tháng, quý, 6 tháng 1 lần nay một năm 1 lần. Hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm tới hoặc nhiều năm trong quá khứ. Ngoài ra, Luật BHXH mới có một quy định tôi nghĩ đây là sự chia sẻ của Nhà nước nhằm giảm thiểu khó khăn cho người tham gia ở khu vực này đó là, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này bằng tiền.

Ví dụ khi anh tham gia BHXH tự nguyện, Nhà nước sẽ hỗ trợ một mức bao nhiêu đó. Chính phủ quy định, phù hợp khả năng cân đối ngân sách theo từng thời kỳ. Hiện nay dự thảo chính sách hỗ trợ NLĐ tham gia BHXH tự nguyện đã được Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ có phương án giải quyết, vấn đề là bây giờ là chờ Thủ tướng Chính phủ chốt phương án cụ thể.

Tuy nhiên, việc sửa đổi về chính sách đã theo hướng tiếp cận hệ thống phải dễ dàng hơn, tuyên truyền tốt hơn. Phải hiện đại hóa trong tiếp cận hệ thống, NLĐ phải là thượng đề thực sự khi đến các cơ quan BHXH. Dân đến cơ quan BHXH mà cán bộ không cởi mở, vui vẻ hướng dẫn không tận tình là không được.

Hiện, người dân đến BHXH chỉ cần 1 tờ khai đăng ký tham gia do cán bộ BHXH đưa cho và hướng dẫn khai rồi ký vào tờ khai, sau 7 ngày NLĐ có sổ BHXH do cơ quan BHXH cấp. Đặc biệt, việc tham gia hay không, hoặc di chuyển đi chỗ khác sẽ được đáp ứng. Hệ thống BHXH sẽ linh hoạt dễ dàng thay đổi khi NLĐ có nhu cầu.

Nghĩa là người dân không thích tham gia nữa họ có thể đến cơ quan BHXH nhận lại khoản tiền họ đã đóng thưa bà?

- Đúng vậy, NLĐ 3 năm không đóng nữa có thể dừng đóng 1 thời gian sau tiếp tục đóng lại. Đến lúc nào cảm thấy không thích tham gia được nhận lại khoản tiền đã đóng. Hiện nay, số tiền đóng một năm tính bằng 1,5 thu nhập đóng bình quân. Sau 2014 NLĐ sẽ nhận được 2 tháng tiền thu nhập tháng bình quân đóng.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    BHXH tự nguyện: Không khống chế tuổi trần, hạ mức sàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO