Cạnh tranh bằng thương hiệu

Minh Phương 18/04/2019 08:00

Vị trí của thương hiệu Việt Nam được cải thiện, tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 trong đó có đóng góp của Chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Đó là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam diễn ra sáng 17/4 tại Hà Nội.

Cạnh tranh bằng thương hiệu

Quang cảnh diễn đàn.

Vươn lên 2 bậc trong bảng xếp hạng

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia (THQG ) Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp (DN) mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia.

Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng THQG để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng Chiến lược THQG phù hợp với xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết. Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Brand Finance công bố, Việt Nam được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện 2 bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của chương trình THQG (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), số lượng DN được công nhận có sản phẩm đạt THQG tăng đều qua các thời kỳ. Nếu như năm 2008 mới chỉ có 30 DN đạt THQG thì đến 2018 đã có 97 DN được công nhận danh hiệu này.

Đánh giá về Chương trình THQG, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam cho biết, sau 16 năm triển khai, đến nay, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng DN về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN tiêu biểu đại diện cho THQG Việt Nam và hỗ trợ các DN nâng cao năng lực kinh doanh và gia tăng giá trị cho sản phẩm.

“Chương trình THQG đã góp phần tạo dựng uy tín cho hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, tăng cường nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam” - ông Phú cho biết.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong nền kinh tế hiện đại và không ngừng phát triển, hàng hóa, THQG nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng rộng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh. Việc xây dựng THQG nhằm mục đích thu hút nguồn lực toàn cầu cho tăng trưởng và phát triển để người dân của quốc gia đó có được cuộc sống với thu nhập cao, phúc lợi xã hội tốt; quan trọng hơn cả là ghi dấu ấn, tên tuổi, thương hiệu của mình tại các thị trường thế giới, gắn THQG vào hoạt động thu hút đầu tư.

Tận dụng các lợi thế

Để nâng cao thế mạnh của THQG Việt Nam, tạo một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, trong thời gian tới, Bộ Công thương xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình THQG Việt Nam trong giai đoạn mới và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình THQG.

Ông Antonino Tedesco – Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Italy tại Hà Nội cho rằng, Chiến lược xúc tiến thương mại là vô cùng quan trọng của mỗi quốc gia. Việt Nam hiện nay là nhà xuất khẩu lớn nhưng vẫn có đến 47% kim ngạch đến từ khu vực FDI. Vì thế, để tận dụng được những lợi thế của thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, theo ông Antonino Tedesco, cần kết hợp xây dựng nhãn hiệu thương mại sản phẩm với THQG, tận dụng được nhãn hiệu của sản phẩm sản xuất trong nước.

“Chương trình THQG tới đây nên giới thiệu thêm giá trị tập thể, nhãn hàng tập thể của thương hiệu Việt Nam. Cách làm này sẽ đưa mặt hàng của Việt Nam tiếp cận rộng rãi hơn thị trường khu vực và thế giới. Bên cạnh đó cần có sự ưu tiên mặt hàng và thị trường trong xây dựng, phát triển THQG, đồng thời gìn giữ và bảo vệ thành quả từ xúc tiến, quảng bá thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, tránh việc sản phẩm bị làm giả làm nhái trên thị trường” - ông Antonino Tedesco khuyến cáo.

Thông qua việc chia sẻ, trao đổi thảo luận từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương hiệu và xuất nhập khẩu, Diễn đàn sẽ góp phần xây dựng Chiến lược THQG Việt Nam phù hợp với giai đoạn mới, giúp phát triển và bảo vệ thương hiệu của DN, địa phương, sản phẩm và quốc gia. Từ đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và nâng tầm THQG Việt Nam ngày càng mạnh trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cạnh tranh bằng thương hiệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO