Cắt thủ tục, chặn điều kiện kinh doanh bất hợp lý

Lục Bình 18/07/2018 08:10

Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13-7 về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Theo đó, kiểm soát chặt việc ban hành các thục tục hành chính (TTHC) mới. Chỉ cần tăng 1 ĐKKD cũng bắt buộc phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách TTHC, cắt giảm các ĐKKD đã đem lại những hiệu quả khá tích cực. Dẫu đạt được những kết quả như vậy, nhưng so với mục tiêu đề ra là cắt giảm 50% ĐKKD thì chưa đạt được. Theo kế hoạch, ngày 30/6, các bộ trình các dự thảo nghị định để hoàn thành vào 30/7 nhưng đến nay, các nghị định của các bộ chủ yếu đang trong thời kỳ soạn thảo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định, TTHC chuyển biến rất chậm. Những bất cập, tồn tại về kiểm tra chuyên ngành (KTCN) chưa được cải cách triệt để theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.... Đồng quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét, thực hiện các yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách trong lĩnh vực KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, một số bộ ngành đã có hành động cụ thể. Tuy nhiên, thống kê cho thấy kết quả thực tế của các hành động này có lẽ là vẫn chưa được như mong đợi. “Trên thực tế, cho đến nay mới chỉ có khoảng 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải KTCN... Về thời gian cho KTCN, mặc dù có nhiều cải cách về thủ tục, tới nay thời gian KTCN trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ ba lần so với các nước ASEAN-4”- ông Lộc dẫn chứng.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm ĐKKD chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất. Tính cải cách trong các phương án rà soát chưa thực sự triệt để. “Phần lớn đề xuất trong các phương án mới chỉ dừng lại việc xem xét các ĐKKD hiện hành ở trong nghị định. Các kiến nghị chủ yếu xoay quanh sửa đổi, bổ sung Nghị định mà chưa mở rộng đánh giá các ĐKKD chứa đựng trong luật. Đây được xem là một hạn chế không hề nhỏ trong hoạt động rà soát. Trong khi rất nhiều ĐKKD bất hợp lý có trong Luật cần được đánh giá để bãi bỏ hoặc sửa đổi”- ông Lộc nói.

Để cải cách thực chất hoạt động KTCN và cắt giảm ĐKKD, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần quán triệt việc cải cách hoạt động KTCN, cắt giảm ĐKKD là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, giải phóng nguồn lực xã hội, do đó cần tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này một cách quyết liệt, thực chất, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu trước ngày 15/8, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động KTCN, cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn. Chỉ thị này còn nêu rõ hàng loạt yêu cầu khác với các bộ ngành, như phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành 1 điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi. Nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm ĐKKD, danh mục hàng hóa, thủ tục KTCN trái quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cắt thủ tục, chặn điều kiện kinh doanh bất hợp lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO