Cày cuốc cả đời cũng không mua nổi căn hộ chung cư

Minh Phương 13/08/2016 09:00

Theo giới chuyên gia, mức giá nhà đất ở Việt Nam hiện cao gấp 25 lần thu nhập bình quân của người dân. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người thường than rằng dù có “cày cuốc” cả đời cũng không thể mua nổi một căn hộ cho riêng mình.

Nhiều người làm cả đời cũng không đủ tiền mua một căn hộ.

Dành dụm 20 năm không mua nổi nhà

Chị Hoàng Bích Hạnh, một viên chức tại Hà Nội cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị khoảng 15 triệu đồng/ tháng. Với số tiền này, chi phí để trả tiền ăn ở, điện nước, sinh hoạt hàng tháng cũng “ngốn” mất chục triệu đồng. Đó còn chưa kể tháng nào có hiếu hỷ, đám giỗ, thăm nom bạn bè ốm đau… thì đi luôn cả thu nhập của hai vợ chồng.

Chị Hạnh nhẩm tính, với tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng, tính ra tổng số tiền chi thường xuyên hằng tháng trên 10 triệu đồng. Mỗi tháng cố gắng tằn tiện vợ chồng chị cũng để dành ra được khoảng 4 triệu đồng, như vậy một năm tiết kiệm được 48 triệu đồng.

Trong khi đó, theo chia sẻ của chị Hạnh, nhà ở xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp hiện nay rao bán cũng phải đến 600-700 triệu đồng/căn hộ. Như vậy, với số tiền có thể dành dụm được trong 1 năm, thì tính ra, hai anh chị đi làm phải 15, 20 năm mới dành đủ được tiền mua nhà.

Song, thực tế, những người thu nhập thấp như chị Hạnh khó mà tiết kiệm liên tục với mức 4 triệu đồng một tháng, bởi khi có con cái thì chi phí sẽ bị đẩy lên nhiều lần nữa, do đó, kể cả tằn tiện chi tiêu thế nào, trong 20 năm hay lâu hơn nữa, những người như chị Hạnh cũng vẫn không có đủ một món tiền lớn để có thể sở hữu một căn nhà.

Không riêng gì gia đình chị Hạnh, trên thực tế còn rất nhiều người Việt với mức thu nhập như hiện nay rất khó mua được nhà ở nếu không có sự hỗ trợ từ người thân, họ hàng hay nguồn vốn từ ngân hàng.

Ràng buộc về thủ tục đẩy giá nhà lên cao

Tại hội thảo về Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh diễn ra mới đây tại Hà Nội, TS Lê Đăng Doanh- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nêu lên thực tế rằng, giá nhà ở hiện nay đang có mức chênh lệch quá lớn so với thu nhập người dân. Theo ông Doanh, nếu như tại các nước trên thế giới, bình quân giá nhà chỉ gấp hơn 5 lần thu nhập của người dân thì ở Việt Nam con số này lên tới 20-25 lần.

Đây thực sự là nghịch lý của một đất nước khi mà, người nghèo, người thu nhập thấp vẫn còn chiếm số đông, nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn thì lại không thể có cơ hội sở hữu được một căn hộ do giá nhà bị đẩy lên cao chót vót.

TS Doanh cũng cảnh báo rằng, trong khoảng 5-10 năm nữa, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng số người dân không có nhà tăng lên chóng mặt, trong khi quỹ đất, thu nhập có giới hạn…Việc này sẽ làm phát sinh hệ lụy lớn về mặt xã hội như tranh chấp, chiếm dụng đất đai, nhà ở...

Một trong những nguyên nhân khiến cho giá nhà ở tại Việt Nam bị đẩy lên cao, được nhiều chủ DN bất động sản cho rằng, là do các thủ tục, điều kiện kinh doanh quá nhiều, quá rườm rà, khiến các DN phải bỏ ra nhiều chi phí, công sức… Và tất nhiên, họ chỉ còn cách bù lại bằng việc đưa vào giá thành nhà ở.

Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực- Phó Giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành đã cho rằng chính thủ tục là nguyên cớ đẩy giá nhà lên cao.

Theo ông Đực, giai đoạn cách đây hơn 10 năm, khi các DN muốn xin giấy phép xây dựng hay đầu tư cho một dự án rất đơn giản. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở lại đây, thủ tục không những không được đơn giản hóa lại có chiều hướng phức tạp thêm khiến DN rất chật vật.

“Thủ tục cấp phép đầu tư dự án, xây dựng cứ kéo dài thêm một năm thì DN sẽ phải tăng thêm 5% chi phí. Những khoản chi phí tăng thêm đó tất nhiên sẽ được đổ hết vào giá bán nhà. Khi đó, người dân phải chịu. Và đó là lý do tại sao giá nhà ở nước ta cứ đắt đỏ như vậy” - ông Đực nhận định.

Theo chia sẻ của một chủ DN địa ốc, với một dự án nhà ở xã hội, chỉ riêng giai đoạn chấp thuận chủ trương, các doanh nghiệp đã phải mất 1 năm. Thêm các khâu, thủ tục khác, tiêu mất thêm 1 năm nữa. Nhanh nhất phải 2 năm, một dự án nhà ở xã hội mới có thể khởi công.

Thời gian, chi phí trong 2 năm đó, DN tiêu tốn bao nhiêu thì giá nhà ở sẽ phải gánh. “Chỉ khi nào những chi phí bất hợp lý nói trên không còn “hành” DN nữa, lúc đó mới hy vọng giá nhà, đất giảm xuống và người tiêu dùng mới mua được nhà giá thấp vừa với mức thu nhập của họ”- DN này chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cày cuốc cả đời cũng không mua nổi căn hộ chung cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO