Chậm phòng vệ thương mại

Hồ Luân 18/01/2018 08:00

Những năm qua các vụ kiện phòng vệ thương mại có xu hướng tăng. Mới đây nhất, ngày 11/12/2107, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành Kết luận sơ bộ vụ điều tra lẩn tránh thuế đối với sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ của Việt Nam sử dụng thép cán nóng của Trung Quốc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đã áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc.

Như vậy, ngành thép Việt đang đứng trước nguy cơ mất thị trường của một số sản phẩm tại Mỹ. Bởi vì có nhiều khả năng Mỹ sẽ áp thuế cao đối với các sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ từ Việt Nam.

Dựa trên thực tế cho thấy, rào chắn phòng vệ thương mại đang bao vây hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng về số lượng, các vụ kiện phòng vệ thương mại hiện nay có xu hướng kiện chùm (kiện nhiều nước), kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và trợ cấp).

Ngoài Hoa Kỳ kiện sản phẩm Việt Nam, Indonesia cũng liên tục khởi kiện thép Việt. Các vụ kiện gây thiệt hại khá nhiều cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, trước đây giá trị xuất khẩu thép sang Indonesia lên đến 200 triệu USD thì nay lượng xuất khẩu chỉ đạt 20 triệu USD. Mặc dù thiệt hại khá nhiều từ các biện pháp phòng vệ thương mại của nhiều nước, tuy nhiên Việt Nam lại phản kháng rất ít trước các vụ kiện, vì vậy nguy cơ thiệt hại chắc chắn sẽ gia tăng.

Dự báo thời gian tới số vụ khởi kiện xuất phát từ phòng vệ thương mại tiếp tục gia tăng do nhiều nước không ngừng thúc đẩy tự do hóa thương mại. Về phía Việt Nam, tình hình nhập siêu từ các nước vào Việt Nam ngày một tăng với giá khá thấp, thế nhưng các bộ - ngành lại khá im hơi lặng tiếng, đặc biệt không có biện pháp gì trước tình trạng trên.

Còn nhớ, năm 2015 – 2016, có thời điểm thịt gà nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam bán chưa đến 20.000 đồng/kg, trong khi đó giá bán sản phẩm thịt gà trong nước cao hơn từ 30 – 50%. Doanh nghiệp và người chăn nuôi lên tiếng mạnh về vấn đề này, tuy nhiên sự việc sau đó trở lại bình thường.

Theo thống kê, từ trước đến nay Việt Nam chỉ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại 7 lần với 5 vụ kiện tự vệ và 2 vụ kiện chống bán phá giá. Lý do, doanh nghiệp ngại tốn tiền, sợ mất thời gian, đặc biệt là không có kiến thức và hiểu biết về phòng vệ thương mại. Về quản lý, các quy định của Việt Nam liên quan đến phòng vệ thương mại chưa đầy đủ, cơ quan chức năng chậm hỗ trợ doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm phòng vệ thương mại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO