Chật vật tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Thanh Giang 31/10/2017 09:05

Thực tế đang đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải tự nỗ lực đổi mới tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ hướng đến chào bán những sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, DN vẫn bộc lộ khá nhiều yếu kém trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.


Doanh nghiệp cần tranh thủ sự hỗ trợ để nâng cao cạnh tranh, tiến tới hòa nhập. (Ảnh T.L).

Vướng lỗi cung ứng

Mới đây, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP HCM phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức diễn đàn “Nâng cao năng suất – Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”. Ông Brian Mtonya – Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, xuất khẩu của DN FDI đang chiếm 75% xuất khẩu của Việt Nam. Thế nhưng, DN trong nước lại chưa tận dụng lợi thế này để tham gia vào chuỗi cung ứng.

Qua nhiều năm khảo sát hoạt động sản xuất của DN, Ngân hàng thế giới thấy rõ, chỉ có 5,1% DN tham gia cung ứng cho DN FDI, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 12,5%, Maylaysia chiếm 8,7%. Và DN cung ứng của Việt Nam đa phần là nhà cung ứng cấp 3, không phải cấp 1 và cấp 2. Trường hợp có nhà cung ứng cấp 1 thì cũng là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Chính vì mắc kẹt ở bẫy giá trị gia tăng thấp nên không gian cho DN trong nước ngày càng thu hẹp, DN lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu thường sử dụng nhóm nhà cung cấp toàn cầu ở khắp mọi nơi.

Giải thích nguyên nhân của tình trạng chậm chạp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt, các chuyên gia kinh tế nước ngoài cho rằng, DN chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu vì chậm đổi mới thiết bị, cải tiến kỹ thuật, sản phẩm chưa thật sự chất lượng và sáng tạo. Thay vì nhập khẩu nguyên liệu rồi gia công chế biến, DN Việt tập trung nghiên cứu, đổi mới và phát triển sản phẩm.

Đại diện Tập đoàn Samsung chia sẻ, 3 lỗi mà DN Việt Nam thường mắc phải: Thứ nhất, tỷ lệ sản phẩm lỗi quá cao, chiếm 15 – 30%. Thứ hai, thời gian hoàn thành sản phẩm quá lâu do bố trí hoạt động sản xuất không hợp lý. Cuối cùng, thời gian lưu kho sản phẩm quá lâu.

Ông Shim Won Hwan – Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung nhấn mạnh, DN Việt muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung phải nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách giảm tỷ lệ hàng bị lỗi xuống mức dưới 1,5%. Thời gian giao hàng phải đúng giờ, đặc biệt giá thành phải đảm bảo cạnh tranh so với DN cung ứng toàn cầu khác. Đại diện Cocacola cũng yêu cầu, sản phẩm phải chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Tranh thủ sự hỗ trợ

Ông Nguyễn Tân Thành - Giám đốc VCCI tại TP HCM thông tin, được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của ILO cùng với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Na Uy và Thụy Sĩ, từ năm 2011 dự án Phát triển DN bền vững (Score) được triển khai. Dự án Score hỗ trợ đào tạo, tư vấn giúp cho DN nhỏ và vừa trong ngành chế biến gỗ, dệt may, công nghiệp phụ trợ tại các tỉnh Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai, Long An và TP HCM. Dự án Score giúp các DN này cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và cải thiện môi trường làm việc từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Kết quả, trong 146 DN (121 DN gỗ, 18 DN dệt may, 7 DN phụ trợ) tham gia dự án có 91% DN tham gia cho biết đã tiết kiệm được chi phí sản suất, giảm 29% lỗi trên dây chuyền sản xuất. Ông Lê Văn Minh, đại diện Công ty Tường Minh, chuyên sản xuất bàn ghế đi thị trường Hoa Kỳ, Australia… cho biết: “Sau khi được hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, một lô hàng được hoàn tất trong thời gian 9 ngày, thay vì trước đó sẽ mất 14 ngày. Do rút ngắn thời gian sản xuất, cùng các chi phí khác kéo giảm, vì vậy trung bình một năm công ty tiết kiệm được 840 triệu đồng”.

Theo nhận xét của ông Chang Hee Lee – Giám Đốc ILO tại Việt Nam, dự án Score đạt kết quả rất tốt. Việc triển khai dự án không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí nâng cao năng suất mà còn cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, thúc đẩy văn hoá DN, nâng cao chất lượng hoạt động cho các DN vừa và nhỏ, tạo ra môi trường thuận lợi cho DN hướng tới sự phát triển bền vững.

Không dừng lại ở đó, theo các chuyên gia kinh tế nước ngoài, để có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu ngoài sự nỗ lực của DN trong nước, sự hỗ trợ của DN FDI, Chính phủ cần thay đổi chính sách hiện tại, xây dựng môi trường đầu tư, kinh tế thị trường thông thoáng, lành mạnh nhằm gia tăng tinh thần doanh nhân phát triển. Song song đó, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng đào tạo kỹ năng và tay nghề cho đội ngũ lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chật vật tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO