Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Đà Nẵng tiếp tục giành ngôi đầu bảng

Duy Phương 31/03/2016 11:56

Sáng 31/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015. Đà Nẵng là địa phương năm thứ 3 liên tiếp trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm 68,3.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Đà Nẵng tiếp tục giành ngôi đầu bảng

Chủ tịch VCCI- TS Vũ Tiến Lộc trao kỷ niệm chương cho quán quân Đà Nẵng.

Sau Đà Nẵng, Đồng Tháp với 66,4 điểm xếp thứ 2, tiếp sau đó là Quảng Ninh (65,7 điểm), Vĩnh Phúc (62,5 điểm), Lào Cai (62,3 điểm)…đều là những tỉnh có nhiều sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành.

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam phần lớn được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do vậy, sự năng động tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh, thành phố quyết định tốc độ và phương hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Chỉ số PCI chính là sự cổ vũ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp cho sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cấp địa phương tại Việt Nam.

“Nhiều chỉ số có sự cải tiến đáng khích lệ, tuy nhiên, chi phí không chính thức còn phổ biến, môi trường kinh doanh chưa bình đẳng, chính là hai chỉ số chưa có sự biến chuyển”, ông Lộc nhấn mạnh. Theo ông Lộc, vai trò của các địa phương rất quan trọng trong sự phát triển của môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh tốt lên hay xấu đi phụ thuộc vào sự điều hành của lãnh đạo địa phương đó.

Được thiết kế riêng, phục vụ cho quá trình xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, báo cáo PCI 2015 dành một chương phản ảnh ý kiến của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước về môi trường kinh doanh năm 2015. Kết quả điều tra cho thấy các DNNVV chưa có khả năng nắm bắt cơ hội thị trường tốt, phần lớn vẫn quẩn quanh trong thị trường nội địa và kết quả kinh doanh tương đối ảm đạm. Các DNNVV còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực như vốn, đất đai, cập nhập thông tin về chính sách và pháp luật, chịu gánh nặng lớn về chi phí không chính thức và chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh có chất lượng với chi phí hợp lý.

Theo nhận định của TS Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhiều năm qua dự án PCI nỗ lực thúc đẩy tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích chính quyền các địa phương cải thiện môi trường kinh doanh. “Cải thiện năng lực cạnh tranh chính là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam phát triển thành công và toàn diện hơn” – TS Ted Osius nói.

Cũng theo báo cáo PCI 2015, từ cảm nhận của 1.584 doanh nghiệp FDI cho thấy, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào quá trình xây dựng hoạch định chính sách cao và các mức thuế hợp lý. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công.

Báo cáo PCI 2015 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.700 doanh nghiệp, trong đó có 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt đọng tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Đà Nẵng tiếp tục giành ngôi đầu bảng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO