Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam nâng hạng: 'Trái ngọt' từ những chính sách vì dân, doanh nghiệp

Lan Anh 28/10/2019 07:30

Theo báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020 mới được công bố, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam cải thiện đáng kể và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả này là minh chứng cho sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự quyết liệt trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước và nỗ lực của hệ thống tổ chức tín dụng.

Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam nâng hạng: 'Trái ngọt' từ những chính sách vì dân, doanh nghiệp

Mục tiêu cải cách hành chính của ngành ngân hàng luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm.

Với Việt Nam, những lĩnh vực được Ngân hàng Thế giới đánh giá có cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là Vay vốn và Nộp thuế. Đây là hai lĩnh vực được ghi nhận tăng điểm mạnh so với năm ngoái, trong đó chỉ số tiếp cận tín dụng là một trong 5 chỉ số (trên 10 chỉ số đánh giá) được nâng hạng trong năm nay.

Chỉ số tiếp cận tín dụng vào top 25 thế giới

Cụ thể, chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam ở mức 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với năm 2019, đứng thứ 2 trong ASEAN và thứ 2 trong khu vực Châu Á (chỉ sau Brunei – hạng 1/190), cao hơn khu vực châu Á Thái Bình Dương và các nước có thu nhập cao khu vực OECD.

Chỉ số Tiếp cận tín dụng bao gồm hai chỉ số thành phần là chỉ số quyền lợi pháp lý và chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng. Chỉ số quyền lợi pháp lý được đánh giá theo thang điểm từ 0-12, điểm càng cao phản ánh mức độ thuận lợi pháp lý để bảo vệ cho quyền của người vay và người cho vay có bảo đảm. Chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng được đánh giá theo thang điểm từ 0-8, phản ánh phạm vi và mức độ dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp.

Bảng xếp hạng thường niên về môi trường kinh doanh lần thứ 17 của nhóm WB đã ghi nhận Việt Nam đạt điểm tối đa của tiêu chí Chiều sâu thông tin tín dụng (8/8 điểm) tại cấu phần phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ, góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 80 điểm trên thang điểm 100, tăng 5 điểm so với năm 2019. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đã tích hợp các thông tin từ các nhà bán lẻ vào báo cáo tín dụng của CIC, giúp các TCTD có thêm nguồn thông tin để đánh giá khách hàng vay với lịch sử thanh toán ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống.

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá Việt Nam tiếp tục cải thiện độ phủ thông tin tín dụng công đạt 59,4%/dân số trưởng thành (tăng 4,6% so với năm 2019).

Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là một điểm sáng trong nỗ lực triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01, 02 năm 2019 của Chính phủ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chỉ số này thể hiện sự quyết tâm của NHNN trong việc chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch. Đồng thời thể hiện sự nỗ lực của CIC trong việc mở rộng các nguồn dữ liệu thay thế, đáp ứng yêu cầu thông tin của các TCTD, khẳng định là trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia.

Với kết quả trên (chỉ số Tiếp cận tín dụng tăng 7 bậc), mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số Tiếp cận tín dụng (A4) lên 3-5 bậc, trong đó năm 2019 tăng ít nhất 1 bậc mà Chính phủ đã giao NHNNchủ trì, chịu trách nhiệm thực hiện tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 có thể coi như đã hoàn thành.

Đưa vốn đến người dân, doanh nghiệp đảm bảo công bằng, minh bạch

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã không ngừng hoàn thiện các chính sách và có những giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận tín dụng cũng như các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đảm bảo công bằng, minh bạch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam nâng hạng: 'Trái ngọt' từ những chính sách vì dân, doanh nghiệp - 1

Ngân hàng Chính sách xã hội cho người dân vay vốn ưu đãi Ảnh: Bá Hoạt/Hanoimoi.

Trong điều hành lãi suất, mặc dù bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến khó lường (căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, lãi suất quốc tế gia tăng…), NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; chỉ đạo các TCTD cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Từ đầu năm tới nay, các ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) và một số NHTM cổ phần lớn đã 2 lần công bố giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc áp dụng các chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp.

NHNN cũng điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế; chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được ngành Ngân hàng quan tâm. NHNN đã chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, nâng cao khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm.

Mục tiêu CCHC của ngành ngân hàng luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, do đó việc cải cách phải tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng. Trong đó, bao gồm minh bạch hoá các thông tin liên quan đến các dịch vụ ngân hàng (như tiết kiệm, vay vốn, thanh toán…) nhằm tránh tiêu cực; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong các dịch vụ ngân hàng để giảm thiểu chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp; đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ đảm bảo nguyên tắc thị trường để người dân và doanh nghiệp có lợi nhất trong việc tiếp cận sản phẩm và dịch vụ ngân hàng. Nhờ đó, trong 4 năm liên tiếp, NHNN luôn dẫn đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong chỉ số CCHC.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, những năm vừa qua, các ngân hàng đã CCHC theo hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác… để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, cung cấp thông tin đầy đủ tới các khách hàng, phối hợp trong nội bộ để xử lý kịp thời phản ánh, khiếu nại của khách hàng về chất lượng và giá cả dịch vụ… Thời gian tới, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh CCHC hơn nữa, phát huy sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại đưa ra các sản phẩm tiện ích đa dạng và đề xuất, tham mưu cho NHNN nhằm tạo môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn.

Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam nâng hạng: 'Trái ngọt' từ những chính sách vì dân, doanh nghiệp - 2

Đặc biệt, điểm sáng xuyên suốt hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng thời gian qua là đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc, gắn với nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Từ năm 2014 đến cuối quý 3 năm 2019, toàn quốc đã có gần 1.800 hội nghị, buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức, qua đó tháo gỡ khó khăn cho gần 240 nghìn lượt doanh nghiệp.

Không chỉ cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh, ngành ngân hàng cũng kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như hỗ trợ người dân Đồng bằng sông Cửu Long trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo Đông Xuân; hỗ trợ bà con bị thiệt hại do cháy rừng, tháo gỡ cho khó khăn cho người dân trồng tiêu ở Gia Lai, hay dịch tả lợn châu Phi…

Nhằm khơi thông vốn cho nền kinh tế, công tác xử lý nợ xấu được đẩy mạnh với sự ra đời của Nghị quyết 42 - nền tảng pháp lý quan trọng, tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo, tăng quyền cho chủ nợ và hỗ trợ xử lý nợ xấu của các TCTD hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Ngân hàng cũng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán, đầu tư phát triển hạ tầng thanh toán, với các sản phẩm, dịch vụ hiện đại đưa lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục tài chính được NHNN đẩy mạnh, qua đó nâng cao kiến thức về tài chính ngân hàng cho công chúng, giúp giảm thiểu rủi ro cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần quan trọng vào phát triển tài chính toàn diện, phổ cập tài chính tại Việt Nam.

Với việc triển khai các giải pháp quyết liệt trên, ngành Ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến ngày 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Hệ thống ngân hàng đã cung ứng ra nền kinh tế với khoảng hơn 7 triệu 800 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam nâng hạng: 'Trái ngọt' từ những chính sách vì dân, doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO