Chính sách rõ ràng để thu hút đầu tư

H.Vũ-Hữu Thu 08/08/2016 22:06

Ngày 8/8 tại Thành phố Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên- Huế năm 2016, do UBND tỉnh và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức. Hội nghị thu hút khoảng 500 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp ở trong và ngoài nước tới tham dự.

Chính sách rõ ràng để thu hút đầu tư

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết dư địa cho đầu tư, phát triển của Thừa Thiên- Huế là rất lớn khi Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên- Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, địa phương cần duy trì và đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng của hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch trong nhiều năm tới. Mong muốn của Trung ương là Thừa Thiên- Huế trở thành trung tâm về du lịch, dịch vụ, y tế, khoa học, công nghệ, giáo dục của cả nước. Nên mọi quy hoạch, kế hoạch phải làm theo tinh thần này.

Để thu hút đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn vào địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh công bố chính sách đầu tư rõ ràng hơn, danh mục dự án đầu tư cụ thể hơn nữa khi mà tổng số dự án cần kêu gọi hiện nay mới có 30 dự án (trong đó có 10 dự án đã có nhà đầu tư) là quá ít. Phó Thủ tướng cũng đề nghị địa phương và các nhà đầu tư quan tâm hơn vào lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghệ cao, ngành “công nghiệp” tổ chức các sự kiện văn hóa. Phát triển công nghiệp của Thừa Thiên- Huế phải là công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, không ham nhà đầu tư lớn, chỉ cần các nhà đầu tư nhỏ và vừa nhưng có công nghệ tốt.

Theo Phó Thủ tướng, Thủ tướng đã ban hành Quyết định từ năm 2009 về phát triển vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai tới năm 2020. Theo Quyết định này, khu vực đầm phá Tam Giang- Cầu Hai sẽ phát triển du lịch làm chủ lực gắn với phát triển nông, lâm nghiệp bền vững với 8 dự án du lịch dịch vụ và 9 dự án công nghiệp, nông nghiệp. Các chính sách đầu tư vào đây được áp dụng mức ưu đãi cao nhất, như với các vùng khó khăn theo quy định hiện hành. Ví dụ các dự án năng lượng sạch được hưởng thuế suất 10%. Tất cả các thành phần kinh tế trong nước đầu tư vào vùng này được hưởng cả ưu đãi tín dụng theo quy định hiện hành.

Trong lĩnh vực du lịch, Phó Thủ tướng yêu cầu, Thừa Thiên- Huế phải khắc phục thực trạng “giàu tiềm năng nhưng ít khả năng, không có sản phẩm dịch vụ du lịch nào ra tấm ra miếng”. Hiện giá trị của ngành du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên- Huế là 50% GDP của địa phương nhưng đóng góp vào ngân sách thì rất thấp. Tới năm 2020 tỉnh mới chỉ đặt mục tiêu du lịch, dịch vụ đóng góp từ khoảng 30% vào thu ngân sách địa phương. Phó Thủ tướng đề nghị địa phương và các nhà đầu tư “phải biến lợi thế này từ tiềm năng thành khả năng, từ khả năng thành hiện thực”.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Văn Cao kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, đồng thời cam kết sẽ tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, hiệu quả; luôn sẵn sàng gặp mặt, tiếp xúc với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để lắng nghe, trao đổi và tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư tại Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách rõ ràng để thu hút đầu tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO