Chống hàng giả, hàng nhái: Loại bỏ tư duy thỏa hiệp

Duy Phương (ghi) 02/07/2018 07:00

Trong lúc sự gian lận thương mại ngày một tinh vi, thì nhiều doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng lại có vẻ như đang thỏa hiệp với vấn nạn này. Muốn loại bỏ được hàng giả, hàng nhái cũng như thực hiện tốt các cam kết với các hiệp định thương mại (FTA), rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, ý thức tự bảo vệ của doanh nghiệp cũng như người dân.

Cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên cam go bởi sự gian lận tinh vi của các đối tượng vi phạm. Nhưng điều đáng nói ở chỗ, nhiều doanh nghiệp và cả người tiêu dùng lại đang thỏa hiệp với vấn nạn này. Thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng không thay đổi tư duy thì vấn nạn hàng giả hàng nhái sẽ còn đất sống.

Chống hàng giả, hàng nhái: Loại bỏ tư duy thỏa hiệp

Ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Doanh nghiệp phải giữ được chữ tín

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam mà còn là vấn nạn chung trên thế giới, ngay cả ở những nước phát triển. Ở nước ta hiện nay, tình trạng sản xuất buôn bán hàng giả đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Lâu nay, người tiêu dùng bị lúng túng trước một thị trường hàng hóa quá phong phú, đa dạng mà rất khó phân biệt thật giả.

Có thể thấy hàng giả xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội; từ hàng tiêu dùng đến vật tư, máy móc, thiết bị, tiền, văn bằng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm…

Trước tình hình trên, ở góc độ một tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã rất quan tâm đến quyền được bảo đảm an toàn, bảo đảm quyền cung cấp thông tin, quyền được lụa chọn, bồi thường đối với người tiêu dùng.

Để đem lại động lực sáng tạo, thúc đẩy tiến bộ và phát triển xã hội, tôi cho rằng, cần đẩy mạnh công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Vì chỉ có doanh nghiệp (DN) chủ động trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, họ sẽ bảo vệ được chính sản phẩm của mình, thương hiệu, chữ tín của mình, từ đó người tiêu dùng cũng được bảo vệ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng, công tác đấu tranh chống sản xuất và kinh doanh hàng giả cần được đẩy mạnh hợ nữa thì nạn hàng giả sẽ bị khống chế và đẩy lùi.

Chống hàng giả, hàng nhái: Loại bỏ tư duy thỏa hiệp - 1

TS Võ Trí Thành.

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Quyền sở hữu trí tuệ phải đặt lên hàng đầu

Câu chuyện chống hàng giả hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không còn mới. Đây là một vấn đề luôn nóng ở mọi thời điểm, là cuộc chiến lâu dài, cam go, phức tạp, không đơn thuần là vấn đề thật giả nữa, mà ở trong câu chuyện này chúng ta cần nhìn lại cách thức làm ăn của các DN, có bài bản không, có nghiêm túc không hay là cách “ăn xổi”, chộp giật.

DN nếu làm ăn chân chính, biết xây dựng và bảo vệ thương hiệu thì không chỉ dừng ở việc họ lấy được niềm tin của người tiêu dùng mà còn là nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường thế giới, tạo chữ tín cho bản thân và cho quốc gia.

Hàng Việt đã tham gia nhiều công ước về sở hữu trí tuệ, nếu để đọc ra các công ước đó thì có khi không liệt kê hết, thế nhưng nghịch lý là Việt Nam lại đứng ở thứ hạng thấp nhất trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Hơn thế, chúng ta lại tham gia sân chơi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có FTA Việt Nam - EU và CPTPP, đây là những FTA có cam kết về sở hữu trí tuệ rất cao.

Vấn đề đặt ra là nếu chúng ta không quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ thì đừng nói đến việc cam kết thực hiện các hiệp định này.

Bởi vậy, câu chuyện sở hữu trí tuệ cần phải đặt lên hàng đầu nếu chúng ta muốn chiến thắng được vấn nạn hàng giả, hàng nhái cũng như thực hiện tốt các cam kết FTA.

Theo ông Võ Trí Thành, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề cạnh tranh công bằng, giữ được thương hiệu là vấn đề lớn hơn câu chuyện là chỉ đi xử lý vi phạm.

Chống hàng giả, hàng nhái: Loại bỏ tư duy thỏa hiệp - 2

PGS TS Nguyễn Quốc Thịnh.

PGS TS Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu (Đại học Thương mại): Không thay đổi tư duy, không chống được hàng giả

Nói đến chống hàng giả và xâm phạm thương hiệu, chúng ta cần nhìn nhận ở góc độ tư duy và phải thay đổi tư duy một cách đồng bộ, từ cơ quan quản lý cho đến cộng đồng DN cũng như người tiêu dùng.

Không thay đổi tư duy không chống được hàng giả. Tôi cho rằng, thay đổi tư duy trước rồi mới dẫn dến hành động thay đổi. Cách làm chỉ là một phần, tư duy mới quan trọng.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến việc thay đổi tư duy của cộng đồng trong cách tiêu dùng. Hiện nay, có bao nhiêu người Việt Nam đang sử dụng kính giả, đồng hồ giả, quần áo, giày dép giả các thương hiệu lớn….

Luôn có hai tình huống xảy ra, một là người dân không biết là hàng giả, thứ hai là nhiều người thông đồng và chấp nhận hàng giả. Đây chính là tư duy góp phần kích thích hàng giả phát triển.

Chúng tôi khảo sát 100 DN làm hàng thủ công mỹ nghệ, có tới 90% trong số đó sợ bị sao chép sản phẩm nhưng 70% lại sẵn sàng sao chép của người khác.

Đây là nghịch lý và tư duy này cần phải loại bỏ, nếu không, chúng ta không thể chống được.

Tư duy này ăn sâu vào các DN nên thay đổi được là câu chuyện dài và rất khó.

Song tôi cho rằng, khó mấy, lâu mấy cũng cần phải làm, làm bằng được. Khi chúng ta tuyên truyền, mưa dầm thấm lâu, thấm cho đến khi người dân, cộng đồng cảm thấy hổ thẹn khi tiêu dùng hàng giả, lúc đấy sẽ thành công.

Thật đau xót khi người Việt mua đồng hồ biết là hàng giả vẫn sử dụng bình thường.

Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý, những hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn đang được “bao dung” khi mà có tới 98,37% vụ vi phạm chỉ xử lý bằng biện pháp hành chính, chỉ 1,63% xử lý bằng tư pháp thông qua tòa, vận dụng các công ty luật để xử lý.

Cơ quan xử lý hành chính làm sao có đủ nhân lực để đi xử lý, phải tư pháp hóa dần xử lý những hành vi.

Nước ngoài họ tư pháp hóa rất mạnh.

Đây chính là vướng mác trong thực thi. Còn một vấn đề cũng rất quan ngại, đó là thực trạng nhiều DN ngại không hợp tác với cơ quan chức năng chống hàng giả.

Chính bản thân DN còn không chịu đứng ra bảo vệ thương hiệu của họ thì ai sẽ bảo vệ được tốt hơn?

Bởi vậy, tôi nghĩ, DN phải thay đổi tư duy này, phải mạnh mẽ đấu tranh, còn nếu vẫn âm thầm chịu đựng, không nói ra, không gia tăng điểm tiếp xúc thương hiệu thì tình trạng hàng giả sẽ còn tiềm năng để phát triển rất mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống hàng giả, hàng nhái: Loại bỏ tư duy thỏa hiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO