Chung tay vì sự phát triển và thịnh vượng

Duy Phương (ghi) 19/06/2016 09:05

Nhiều doanh nhân cho biết, doanh nghiệp của họ có được sự phát triển như ngày hôm nay, một phần là nhờ sự góp sức của báo chí. Song cũng có những DN có thể bị mất uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu, thậm chí phá sản cũng chỉ vì một bài báo. Phải chăng đó cũng là câu chuyện nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam?

Chung tay vì sự phát triển và thịnh vượng

Luật sư Trần Hữu Quỳnh.

Luật sư Trần Hữu Quỳnh- Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam: Mối quan hệ giữa báo chí và DN ngày càng tốt lên

Là một người theo dõi rất sát hoạt động của giới báo chí và cộng đồng DN Việt Nam, tôi thấy những năm 1980-1990, hình ảnh thương nhân không được đẹp lắm, thậm chí còn hơi méo mó và DN có vẻ không mặn mà lắm với báo chí, truyền hình. Tuy nhiên, qua một thời kỳ và đến bây giờ, mọi sự đã khác, có một sự thay đổi rất lớn. Nguyên nhân của sự thay đổi này chính là do vai trò của DN đã thay đổi. Khác với trước đây, DN hiện nay đã tiên phong trong phát triển kinh tế, từng bước vươn ra thế giới.

Vấn đề quan trọng cần bàn hiện nay là báo chí phải chủ động tính tích cực của mình. Vậy vì sao cần có sự chủ động giữa DN và báo chí? Chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận bởi với lực lượng DN lớn mạnh thì báo chí cũng cần phải đồng hành cùng cộng đồng DN.

Tôi cho rằng, hiện nay, báo chí phải chủ động hơn để đồng hành với DN, cùng chia sẻ, thông cảm với những khó khăn của cộng đồng DN, doanh nhân. Báo chí đã làm được nhiều điều cho DN, đó là tích cực góp phần vào cải thiện môi trường kinh doanh, giúp DN có được môi trường tốt để hoạt động tốt hơn. Có thể có nhiều DN cảm thấy e ngại báo chí, nhưng tôi cho rằng, chỉ một số ít trường hợp nhà báo khiến DN “ngại” gặp. Tôi nghĩ các DN cần có cách nhìn công bằng, bởi vẫn có nhiều nhà báo âm thầm đấu tranh và trở thành chuyên gia trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đã hỗ trợ cho cộng đồng DN rất nhiều khi giúp cho DN có được một môi trường làm việc tốt hơn.

Chung tay vì sự phát triển và thịnh vượng - 1

Ông Nguyễn Hoài Nam.

Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep): Có những tờ báo chỉ thích đưa tin xấu về doanh nghiệp

DN ngành thủy sản luôn luôn đánh giá cao và luôn muốn đồng hành với báo chí. Trên thực tế, cộng đồng DN Việt Nam phát triển được như hôm nay nhờ có sự chung tay của báo chí. Báo chí giúp DN bày tỏ nguyện vọng tâm tư, truyền đạt thông điệp tới nhà quản lý, tới Chính phủ, để có thể giúp DN giải tỏa những khúc mắc trong môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng hành đó không thể không nói đến những điểm bất cập mà chính vì báo chí, nhiều DN cũng bị “vạ lây”. Thời gian qua, ngành thủy sản phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, các rào cản kỹ thuật được thị trường thế giới đưa ra ngày càng khắt khe hơn. Và các DN xuất khẩu thủy sản chịu tác động rất lớn bởi những rào cản đó. Thế nhưng, có rất nhiều báo chí chỉ đưa những thông tin xấu, một chiều mà không hề đưa thông tin tốt để tạo động lực phát triển cho DN thủy sản. Đơn cử như việc các nước cảnh báo thủy sản nhập khẩu nhiễm chất kháng sinh. Mặc dù việc cảnh báo này nhằm vào cả Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc khi xuất khẩu các lô hàng thủy sản nhiễm kháng sinh và bị trả về, song chỉ có mỗi báo chí Việt Nam đưa rầm rộ nhất và chỉ nhấn mạnh vào thông tin: Việt Nam có bao nhiêu lô hàng nhiễm kháng sinh bị nước ngoài trả về…

ngày trên các trang báo nhà lại thấy xuất hiện thông tin: Australia phát hiện kháng sinh trong thủy sản Việt Nam hay Mỹ trả về Việt Nam bao nhiêu lô hàng vì không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm... Điều này vô hình trung làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Ngành thủy sản đã và đang nỗ lực đưa các sản phẩm thủy sản nội địa xuất khẩu đi trên 60 quốc gia trên thế giới, thu về kim ngạch trên 8 tỷ USD/năm. Đó thực sự là nỗ lực lớn của các DN trong ngành. Nhưng nếu báo chí chỉ đưa thông tin không tốt, rằng thủy sản Việt Nam không an toàn, nhiễm kháng sinh ồ ạt như thời gian vừa qua, thì chính báo chí nước nhà sẽ khiến thế giới thay đổi cách nghĩ, sẽ nhìn hàng hóa của ta với con mắt “dè chừng”, không thiện cảm.

Chúng tôi rất mong báo chí đưa tin một cách cân bằng, cả các vấn đề tích cực chứ không chỉ nhằm vào những vấn đề tiêu cực, như vậy vô hình trung sẽ triệt tiêu những nỗ lực của các DN nước nhà, vì số sản phẩm vi phạm chỉ là số rất ít so với những gì chúng ta đang làm được.

Chung tay vì sự phát triển và thịnh vượng - 2

Ông Nguyễn Văn Đệ.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Thanh Hóa: Tăng cường tính giám sát, phản biện

Theo tôi, báo chí cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, phản biện chính sách. Chúng tôi, những người làm kinh doanh, một khi đã dám xông pha vào thương trường, chúng tôi không ngại về năng lực quản trị yếu kém, không ngại khi bị thiếu vốn, không ngại phải cạnh tranh bằng ngại những rào cản từ… cơ chế chính sách.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là, DN đang phải đối diện với quá nhiều loại “giấy phép con”, điều kiện kinh doanh. Có những điều kiện, quy định ra đời không dựa trên thực tiễn cuộc sống của người dân và doanh nghiệp, để rồi nó trở thành rào cản, thậm chí có thể dập tắt sự tồn tại của một DN. Có những thông tư, quy định vừa ra đời đã đẩy bao nhiêu DN vào tình cảnh “dở sống, dở chết”. Nhưng, những chính sách đó khi có sự vào cuộc của báo chí có thể sẽ được loại bỏ.

Do đó, vai trò của báo chí trong giám sát, phản biện là vô cùng quan trọng. Và tôi mong, tính phản biện của báo chí cần phải mạnh mẽ hơn để hạn chế được những chính sách như vậy. Tôi tin rằng, viết được một bài báo phản biện chính sách hay, để chính sách ấy có thể có những sửa chữa, thay đổi thiết thực hơn với người dân và DN chính là niềm hạnh phúc của những người cầm bút.

Chúng ta vẫn luôn thừa nhận báo chí có vai trò rất quan trọng đối với cộng đồng DN. Bởi thế nên khi viết về DN, báo chí càng phải cẩn trọng hơn. Chẳng ai là không mắc sai lầm, cộng đồng DN cũng vậy, trong hoạt động, sản xuất, họ không thể tránh khỏi những sai sót. Nhưng nếu chỉ nhìn thấy những sai sót đó của DN mà quy kết ngay, thổi phồng lên rằng, họ làm không tốt, họ vi phạm pháp luật… thì sẽ rất nguy hiểm. Như các bạn biết đấy, tiếng nói của báo chí tác động mạnh mẽ thế nào đến dư luận xã hội. Một bài báo có thể đưa DN, doanh nhân đến đỉnh cao của sự thành công nhưng cũng có thể dìm họ xuống tận vực sâu, thậm chí có thể đẩy họ đến bên bờ vực phá sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung tay vì sự phát triển và thịnh vượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO