Công nghiệp hỗ trợ: Loay hoay tìm 'lối ra'

Thanh Giang 26/11/2016 10:47

Đại diện Bộ Công thương nhận định, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thời gian qua phát triển khá khiêm tốn. Tỷ lệ nội địa hóa của các ngành ở mức thấp. Thực tế đang đòi hỏi, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực để ngành này thật sự phát triển như mong muốn. Đó là thông tin được đưa ra ngày 25/11, trong buổi Hội thảo giải pháp cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, do Bộ Công thương tổ chức tại TP HCM.

Ngành dệt may đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Công nghiệp hỗ trợ ì ạch phát triển

Ông Trương Thanh Hoài- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) dẫn chứng về sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay, trong ngành ô tô, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân 9 chỗ tăng chậm.

Cụ thể, mục tiêu đặt ra là 40% vào năm 2005, năm 2010 sẽ đạt khoảng 60%. Thế nhưng, đến nay ngành này mới đạt bình quân khoảng 7 – 10%. Đồng cảnh ngộ, ngành dệt may chỉ đạt khoảng 20 – 25% nội địa hóa còn lại hầu hết phải nhập khẩu từ các nước. Không hơn hai ngành trên, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may chỉ ở mức 51,1% vào năm 2015. Lý do, ngành này đa phần là gia công cho bạn hàng các nước.

Nhìn nhận từ thực tế phát triển, đại diện Bộ Công thương cho rằng, có nhiều lý do trói buộc nên ngành công nghiệp hỗ trợ không tạo được sự bứt phá.

Thứ nhất, dung lượng thị trường nhỏ. Thứ hai, ngành công nghiệp vật liệu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Thứ ba, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao nên khả năng thực hiện tỷ lệ nội địa hóa nằm ngoài khả năn. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư của nhà nước về tín dụng, ưu đãi và hỗ trợ…còn hạn chế.

Chủ động liên kết tạo sức mạnh chuỗi

Yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thời gian qua hoàn toàn không mới, thậm chí các bộ ngành không ngừng kêu gọi để tạo đòn bẩy cho ngành này phát triển song công nghiệp hỗ trợ vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tìm được giải pháp phù hợp, cụ thể để ngành công nghiệp hỗ trợ tạo sức bứt phá mạnh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thời gian tới DN mạnh nên triển khai một số dự án lớn tại các trung tâm dệt may. Hình thành chuỗi liên kết tạo ra đối trọng giữa DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài về quan hệ lao động, thu nhập, bảo vệ môi trường, nghĩa vụ với Nhà nước, địa phương, người lao động... Tiến tới, không ngừng liên doanh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tham gia quản lý kỹ thuật, công nghệ.

Từ kết quả hoạt động của ngành công nghiệp hỗ trợ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ đã đạt được những kết quả bước đầu. Điển hình, chủ động nguồn nguyên liệu, ngành da giày nội địa hóa cao,… Thế nhưng kết quả này chưa như mong muốn bởi có nhiều nguyên nhân, trong đó có năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chú trọng gia công, chưa chú trọng nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn chưa chủ động với vai trò đầu tàu trong quá trình phát triển. Bàn về giải pháp phát triển của ngành, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phát triển sau các nước về ngành công nghiệp hỗ trợ vì thế rất cần sự hỗ trợ về nhiều mặt từ cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp lớn cần khẳng định vai trò đầu tàu hơn nữa nhằm kết nối cộng đồng doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ hiện đại, đồng thời chủ động hỗ trợ để doanh nghiệp Việt có thể gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghiệp hỗ trợ: Loay hoay tìm 'lối ra'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO