CPTPP và những thách thức

Minh Phương 12/03/2018 07:35

Cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có được là rất rõ đối với nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, bối cảnh chúng ta đang tham gia CPTPP luôn có hai mặt: Cơ hội và thách thức; mà thách thức lớn nhất sẽ là những tác động đến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi mà một nhóm không nhỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa có sự chuẩn bị, thụ động…

Ngày 9/3 (theo giờ Việt Nam), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết với 11 nước tham gia mà không có Hoa Kỳ. Giới chuyên gia nhận định, CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt; thế nhưng, DN phải chủ động nắm bắt thời cơ, còn thụ động “chờ” là khó phát triển.

CPTPP và những thách thức

Cùng với cơ hội, CPTPP cũng đem lại nhiều thách thức.

Những tác động tích cực

CPTPP được đánh giá sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Cụ thể với thương mại hàng hóa, gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình.

Ngoài lĩnh vực hàng hóa thì nhiều lĩnh vực khác có cơ hội cho Việt Nam như: Dịch vụ, đầu tư, mua sắm công của các nước.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), nếu trước đây chúng ta không chú ý lắm tới mua sắm công của các nước thì với CPTPP, nhiều cơ hội để chúng ta vươn ra mua sắm công ở nước bên ngoài.

“Thị trường mua sắm công tại một số nước rất đáng kể. Ngoài mua sắm công về hàng hóa họ còn mua sắm công về dịch vụ. Đây là cái mới, ta mà có khả năng tiếp cận thì DN có được lợi ích thiết thực. Việt Nam trong đàm phán tập trung vào mặt hàng liên quan đời sống của đại bộ phận nhân dân, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như nông dân, thủy sản, hải sản, hay một số lĩnh vực có nhiều lao động như dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm… Nghiên cứu gần đây cho thấy tác động của CPTPP đối với nền kinh tế đã xóa đói giảm nghèo tốt, hiệu quả giảm 0,6 triệu người thuộc diện nghèo đói” - ông Thái nhận định.

Cũng theo ông Thái, các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn khi CPTPP thực thi sẽ là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, một số ngành sản xuất và dịch vụ.

Những lợi ích, cơ hội từ CPTPP có được là rất rõ đối với nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, bối cảnh chúng ta đang tham gia CPTPP luôn có hai mặt: Cơ hội và thách thức. Mà thách thức lớn nhất sẽ là những tác động đến cộng đồng DN nhỏ và vừa, khi mà một nhóm không nhỏ các DN nhỏ và vừa vẫn chưa có sự chuẩn bị, khá thụ động với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nói chung, với CPTPP nói riêng.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu một bộ phận DN vẫn có tư tưởng “Các FTA không tác động đến mình” thì đây là một tư duy thụ động cần phải loại bỏ ngay lập tức nếu DN muốn phát triển trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Và những thách thức

Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhắc đến khi ông nêu quan điểm: Trong thời gian vừa qua, năng lực của cộng đồng DN Việt Nam tăng lên với tốc độ cao trong việc tiếp cận thị trường thế giới, củng cố vị thế Việt Nam là một nền kinh tế mở và hàng loạt sản phẩm của Việt Nam đã khẳng định chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, với quy mô phần lớn DN là nhỏ và vừa, câu chuyện khai thác nguồn lợi từ Hiệp định CPTPP hoàn toàn không đơn giản nếu như DN vẫn giữ thái độ hay cách tiếp cận thụ động, thiếu tích cực.

Nói về những cơ hội và thách thức mà CPTPP mang lại, người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh: “Sự chủ động trong tiếp cận thị trường bằng chính nhãn quan của các DN mới là ý nghĩa then chốt, đảm bảo hội nhập thành công của các DN”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước trong việc giúp DN nhận thức được tầm quan trọng của cơ hội cũng như sức ép trong quá trình tiếp cận với thị trường trong khuôn khổ của Hiệp định CPTPP là vô cùng cần thiết.

Chia sẻ về những tác động của CPTPP tới lĩnh vực mà DN đang hoạt động, ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho rằng, với Hiệp định CPTPP, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang nhiều thị trường sẽ thuận lợi hơn.

Song với các ngành, lĩnh vực khác, CPTPP cũng sẽ đem đến các cơ hội mới tại các thị trường 10 nước thành viên tham gia. Bởi vậy, các DN không nên hờ hững với Hiệp định CPTPP mà cần nỗ lực, sẵn sàng để tận dụng tốt nhất cơ hội. Nếu không quan tâm, không tham gia thì nghĩa là DN đã tự đặt mình bên ngoài “cuộc chơi”.

Cũng theo ông Huy, khi thực thi Hiệp định CPTPP, vấn đề về thuế sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khó khăn mà các DN phải đối mặt là các hàng rào phi thuế quan. Trong nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… lĩnh vực nào cũng có vấn đề khó khăn bởi các tiêu chuẩn được nâng lên, các yêu cầu thực thi nghiêm ngặt hơn.

“Để ứng phó với khó khăn, tận dụng tốt cơ hội đem lại, gia tăng tính cạnh tranh, các DN phải không ngừng cập nhật và tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất” – ông Huy nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với các FTA, trong đó có CPTPP, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc xây dựng một kế hoạch hành động bài bản dựa trên lộ trình cắt giảm thuế quan.

Trong kế hoạch đó, cần có lộ trình cải thiện các vấn đề theo từng nhóm, ngành cụ thể. Bởi, Chính phủ nhìn ở góc độ chung, song DN chỉ nhìn ở nhóm ngành hàng.

Ngoài ra, kế hoạch đó cũng phải đi sâu làm rõ vấn đề từng ngành phải hành động như thế nào. Trên cơ sở đó, các DN mới có thể tự vạch kế hoạch cho chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    CPTPP và những thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO