Đất bỏ hoang, nông nghiệp vẫn khó mở rộng

Thanh Giang 27/11/2019 07:20

Ngày 26/11, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên Hội Nông dân thành phố. Tại buổi đối thoại, Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố đã nêu ra nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay, đặc biệt là vấn đề đất nông nghiệp ngày càng giảm…

Đất bỏ hoang, nông nghiệp vẫn khó mở rộng

Nông dân TP HCM thu hoạch rau.

Theo bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM, thành phố có 114.580 ha đất nông nghiệp chiếm 54,68% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 66.001,8ha, đất lâm nghiệp là 35.684,6ha, đất nuôi trồng thủy sản 10.798,5ha, đất làm muối 1.708,9 ha và 386,2ha đất nông nghiệp khác. Hàng năm diện tích đất nông nghiệp giảm trên 500ha để phục vụ quá trình đô thị hóa. Trong đó, nhiều diện tích quy hoạch treo, bỏ hoang hóa nhiều năm liền trong khi nông dân lại không có đất sản xuất. Hiện trên địa bàn huyện Hóc Môn, diện tích đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý còn bỏ hoang rất nhiều, gây lãng phí, trong khi đó nhu cầu đất sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã và nông dân là rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai khẳng định, đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Một số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng khó khăn trong việc tích tụ và tập trung ruộng đất. Đặc biệt, nông dân có nhu cầu thuê đất nông nghiệp do các cơ quan, doanh nghiệp của thành phố quản lý để đầu tư phát triển sản xuất quy mô hàng hóa lớn và xuất khẩu nhưng chưa được quan tâm hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đang có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do vướng quy định chỉ được xây dựng các công trình trên đối với “đất nông nghiệp khác” nên các công trình phụ trợ này chưa được cấp phép xây dựng.

Trước thực trạng trên, huyện Hóc Môn kiến nghị UBND thành phố, các ngành chức năng thành phố xem xét tạo điều kiện để các hợp tác xã và nông dân được thuê (hoặc giải quyết cho mượn đối với hộ nông dân có nhu cầu) để sản xuất. Nông dân quận 9 mong muốn, có cơ chế cho các hộ nông dân chưa nhận tiền đền bù được tiếp tục sản xuất trên phần đất chưa thu hồi để thực hiện dự án. Các hộ đã nhận tiền đền bù, giao đất được tạm mượn hoặc thuê giá ưu đãi để tiếp tục canh tác cho đến khi triển khai thực hiện dự án.

Lắng nghe các ý kiến, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị các sở, ngành liên quan sớm đưa ra những giải pháp tháp gỡ khó khăn về quy hoạch đất, quyền sử dụng đất.

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM cũng đề nghị tăng cường giám sát; kiến nghị các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đang gặp phải, trong đó có vấn đề về sử dụng đất để khai thác quỹ đất nông nghiệp hiệu quả, tránh lãng phí.

TP HCM hiện có 114.580 ha đất nông nghiệp chiếm 54,68% tổng diện tích tự nhiên. Với 52.593 hộ có hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp. Tính đến tháng 9/2019, có 286 tổ hợp tác nông nghiệp, 93 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp vốn điều lệ đăng ký 324.123 triệu đồng, bình quân 3.485 triệu đồng/hợp tác xã. Năm 2018 đóng góp của ngành nông nghiệp cho GRDP thành phố đạt mức 0,7%/năm, gần 21 nghìn tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đất bỏ hoang, nông nghiệp vẫn khó mở rộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO