Đầu tư đón gió TPP: “Cuộc chiến” nguyên liệu

Thanh Giang 18/07/2015 08:10

Theo đại diện các hiệp hội, ngành nghề, doanh nghiệp nước ngoài chuyên ngành dệt, sợi, thuộc da đã và đang lên kế hoạch “đổ bộ” vào Việt Nam nhằm tranh thủ lợi thế từ Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do yếu về nguyên phụ liệu nên DN trong nước chỉ còn cách cải tiến về quy trình sản xuất nhằm tăng tính cạnh tranh.

Đầu tư đón gió TPP: “Cuộc chiến” nguyên liệu

Giày dép Việt lo thay đổi quy trình sản xuất để tăng tính cạnh tranh.

Ảnh: S. Xanh

Mặc dù được đánh giá cao về cơ hội hội nhập kinh tế thế giới song Việt Nam còn khá nhiều điểm yếu, đặc biệt tỷ lệ nội địa về nguyên phụ liệu rất thấp. Hiện nguyên phụ liệu trong nước chỉ cung ứng khoảng 25%, còn lại 75% phải nhập khẩu từ nước khác.

Theo ông Diệp Thành Kiệt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2014, Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu da giày - dệt may đạt 4,75 tỷ USD, tăng 25,6% so với năm 2013; nhập khẩu thuộc da hơn 1 tỷ USD, tăng 37%. DN dệt may - da giày Việt Nam đa phần nhập khẩu nguyên phụ liệu của Trung Quốc kể cả Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan…

Chính vì quá phụ thuộc nguyên liệu vào thị trường các nước, cho nên quy định về xuất xứ hàng hóa trong một số hiệp định thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt DN chuyên ngành dệt may - da giày đổ vốn về Việt Nam.

Đại diện đoàn DN da giày Quảng Đông (Trung Quốc) cho hay, một số công ty giày dép ở Quảng Đông đang xúc tiến hợp tác với các DN Việt Nam để triển khai các dự án da thuộc. Trong đợt này, 40 công ty da giày Quảng Đông tham gia gặp gỡ DN ngành da giày Việt Nam xúc tiến các hoạt động hợp tác.

“DN da giày Việt - Trung có thể hợp tác với nhau để cùng khai thác thế mạnh của mỗi bên. Sự hợp tác tích cực sẽ giúp hai bên tận dụng ưu thế cạnh tranh của ngành giày Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua hàng rào thuế quan được gỡ bỏ”, vị đại diện này lên tiếng. Đưa ra lý lẽ nhằm tạo mối quan hệ trong sản xuất và kinh doanh một số DN Quảng Đông khẳng định, Quảng Đông có thế mạnh trong sản xuất da, thiết kế, công nghiệp. Trường hợp hai bên hợp tác để đầu tư tại Việt Nam sẽ rất lợi, nguồn nhân lực sản xuất ở Việt Nam dồi dào và chi phí rẻ.

Nhận thức rõ “địa điểm vàng” từ lợi thế của Việt Nam khi tham gia hiệp định TPP (thuế suất dần dần về 0%) DN nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử, giữa năm ngoái Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc Tập đoàn Dệt may Texhong (Hồng Kông) khánh thành giai đoạn 1 của dự án nhà máy sản xuất sợi 300 triệu USD tại tỉnh Quảng Ninh. Đây là nhà máy thứ 4 của Texhong có mặt tại Việt Nam.

Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) đã được chính quyền Nam Định cấp phép đầu tư nhà máy theo quy trình khép kín từ sản xuất sợi, đến dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD.

Tương tự, Công ty Gian Lucky Limited thuộc Tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) cũng sẽ đầu tư 140 triệu USD để phát triển dự án trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.

Không chỉ DN Trung Quốc kể cả Đài Loan, Hồng Kông chọn Việt Nam làm điểm đến nhiều DN dệt may lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Mỹ cũng đang lên kết hoạch “đổ bộ” vào Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế xuất xứ nguyên liệu, giá lao động rẻ…

Cơ hội cho ngành da giày là thực, bởi năng suất và vị trí của ngành này liên tục được khẳng định trên thị trường quốc tế. Theo thông tin của Lefaso, Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giầy dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Italia. Sản phẩm giày dép của Việt Nam phân phối rộng khắp tại 50 nước và tiếp tục tăng thị phần.

Trước tiềm năng phát triển của ngành, ông Nguyễn Đức Thuấn- Chủ tịch Lefaso thông tin rằng, ngành da giày đề ra mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 22 tỷ USD và đạt 30 tỷ USD đến năm 2030. Đánh giá cao kết quả mà ngành dệt may - da giày đạt được ông Trần Quang Hà, Cục phó Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho rằng, DN da giày trong nước đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội với các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Vì vậy, nếu không có sự cải tiến về quy trình sản xuất sẽ dễ bị mất thị trường. Thời gian tới, DN phải tự vạch ra kế hoạch hoạt động sản xuất phù hợp với xu thế.

Đồng quan điểm của vị đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ về định hướng cạnh tranh trong thời gian sắp tới, Chủ tịch Lefaso khẳng định, cơ hội sẽ rộng mở hơn nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải trang bị năng lực để đón nhận. Điểm yếu của ngành da giày đang vướng là do quy mô DN nhỏ nên thiếu vốn, kỹ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư đón gió TPP: “Cuộc chiến” nguyên liệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO