Đẩy mạnh tái cơ cấu, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương

Việt Thắng 01/07/2016 23:16

Ngày 1/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 6. Kết luận phiên họp Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, trong sạch, chống tham nhũng, phục vụ người dân và doanh nghiệp tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, người dân được làm cái gì mà pháp luật không cấm.

Muốn tăng trưởng kinh tế phải tạo ra tiền đề để người dân và doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng. Phải tái cơ cấu, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, cởi trói cho sản xuất, tạo sự phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tham dự phiên họp.

Tích cực giải ngân nguồn vốn hỗ trợ để ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi.

Tuyệt đối không vì phát triển kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường

Sáng ngày 1/7, phát biểu mở đầu buổi làm việc, vấn đề đầu tiên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập chính là sự kiện công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt diễn ra chiều ngày 30/6, từ đó Thủ tướng chỉ đạo hướng giải quyết tiếp theo. Thủ tướng nhấn mạnh: Để có được kết quả về nguyên nhân cá chết, thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung và các giải pháp khắc phục hậu quả công khai rộng rãi tới nhân dân chiều 30/6, đó là kết quả của một quá trình làm việc rất nghiêm túc, thảo luận rất kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ.

Chỉ rõ số tiền 11.500 tỷ đồng yêu cầu Formosa bồi thường chúng ta phải tính toán dùng sao cho hiệu quả tốt nhất, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo chủ trương, chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ, hỗ trợ quỹ bảo vệ môi trường.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải tham gia cùng với Bộ NNPTNT xem xét hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ thuận lợi, phục hồi môi trường. Giao Bộ Tài chính chủ trì, trình Chính phủ sớm nhất về tiến độ và phương án sử dụng số tiền Formosa đã đền bù.

Lưu ý phát triển kinh tế phải chú ý tới môi trường, phải tính toán chặt chẽ, tuyệt đối không phải vì phát triển kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng chỉ đạo để cuối tháng 7 xây đựng được phương án xử lý khoản tiền 11.500 tỷ đồng đền bù của Formosa sao cho hiệu quả.

Thủ tướng nêu rõ: Quan điểm trong hỗ trợ khắc phục hậu quả từ vụ việc này phải hướng đến hỗ trợ để giúp ổn định kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển lâu dài của từng hộ dân và địa phương.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát hứa trong 2 tuần tới sẽ trình Chính phủ phương án hỗ trợ cho ngư dân, để Chính phủ hoàn thiện.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, số tiền 500 triệu USD Formosa bồi thường thiệt hại phải hỗ trợ đúng, chính xác, kê khai cho sát thực tế, vì ngoài ngư dân còn có diêm dân; không để thất thoát, tiêu cực; tập trung hỗ trợ cho dân chuyển đổi nghề, và phải làm sao để ngư dân yên tâm ra biển.

Sử dụng hiệu quả vốn ODA

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị, các các bộ, ngành phải sử dụng vốn ODA cho hiệu quả, bởi thực chất đây là tiền đi vay, lãi thấp nhất cũng khoảng 2,5%. Sử dụng khoản vay này phải sao cho hiệu quả, không được dùng để đi mua ôtô; mà cần tập trung cho đầu tư phát triển.

Gỡ khó cho nông nghiệp, ngư dân

Tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có vấn đề nông thôn mới (NTM); hỗ trợ cho ngư dân là những vấn đề được nhiều địa phương kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp tháo gỡ.

Bà Phạm Thị Thanh Trà- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đề nghị, trong xây dựng NTM thì nguồn lực rất khó khăn, vì vậy Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo kịp thời, cũng như xác định tiêu chí phân bổ vốn chương trình mục tiêu xây dựng NTM để tránh dàn trải, nhất là tại các xã khó khăn; phân cấp cho địa phương để bố trí nguồn lực cho phù hợp.

Cùng chung vấn đề, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, chính sách trong nông nghiệp nông thôn chưa đi vào cuộc sống. Ông Dũng nêu ví dụ Nghị định 210 hay Nghị định 67 hỗ trợ ngư dân, nhưng đến nay số người được thụ hưởng rất ít.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, thiên tai làm thiệt hại 0,9% những gì chúng ta làm ra, trong đó trồng trọt giảm 3%, thủy sản tăng trưởng chậm do sự cố môi trường ở miền Trung.

Nói về giải pháp để tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian tới, Bộ trưởng bày tỏ: Hạn hán đã qua, xâm nhập mặn đã giảm, sự cố môi trường cá chết tại miền Trung đã được khắc phục thì thời gian tới sẽ tăng trưởng tốt hơn. Muốn nông nghiệp phát triển cần tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM, duy trì phát triển thị trường để kích thích doanh nghiệp và người dân, mở rộng sản xuất và hiệu quả sản xuất, quan trọng là chỉ đạo để giảm chi phí sản xuất.

Đề cập đến vấn đề NTM, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện cả nước đã có 1.965 xã đạt chuẩn NTM, bình quân 1 xã đạt được 13 tiêu chí nhưng có tình trạng nhiều nơi bị phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Cho nên Bộ đã chỉ đạo nghiêm không làm tăng nợ đọng, và có phương án xử lý nợ đọng. Bộ trưởng cũng thừa nhận việc giải ngân vốn theo Nghị định 67 bị chậm, sẽ có những giải pháp thúc đẩy.

“Tăng tốc độ” giảm biên chế, tăng minh bạch

Đó là kiến nghị được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân gửi đến Thủ tướng Chính phủ để yêu cầu các địa phương, bộ ngành tích cực giảm biên chế. Báo cáo với Thủ tướng về kết quả tinh giản biên chế trong 6 tháng năm 2016, Bộ trưởng cho biết, có 18 Bộ, ngành và 61 tỉnh, thành phố đã tinh giản 10.004 người. Nếu tính tổng cộng từ năm 2015 và 2016 đến nay đã tinh giản 15.779 người. Trong năm 2016, các đơn vị khối Đảng giảm 472 người, đơn vị hành chính cấp huyện trở lên giảm 1.312 người.

Song điều đáng nói theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thời gian qua việc tinh giản ở các địa phương, bộ ngành còn một số trường hợp không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn. Trong tổng số 15.779 người thì có 1.356 trường hợp không đúng đối tượng tinh giản.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, trong sạch, chống tham nhũng, phục vụ người dân và doanh nghiệp tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, người dân được làm cái gì mà pháp luật không cấm. Muốn tăng trưởng kinh tế phải tạo ra tiền đề để người dân và doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng.

Muốn vậy theo Thủ tướng phải tái cơ cấu, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương để cởi trói cho sản xuất, tạo sự phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh.

“Cái gì bị chậm trễ không phù hợp phải xóa bỏ, tăng cường minh bạch xóa bỏ cơ chế xin cho trên tất cả các lĩnh vực, lợi ích nhóm trong chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa, cái gì thị trường làm tốt thì để thị trường làm, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng và tạo việc làm mới”- Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thẩm quyền cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính đề cao trách nhiệm trong phối hợp. Công khai minh bạch để người dân theo dõi giám sát. Hành động quyết liệt, ưu tiên cho tái cơ cấu nền kinh tế tạo điều kiện cho tăng trưởng dài hạn, trước mắt chưa điều chỉnh chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.

“Tăng cường kỷ luật kỷ cương, dám nghĩ, dám làm. Phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách của từng bộ, ngành, đơn vị, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức cơ quan đơn vị”- Thủ tướng nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh tái cơ cấu, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO