Đẩy mạnh thanh toán điện tử

Thúy Hằng 25/11/2016 10:10

Với 2 chủ đề chính: Thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông và khả năng liên thông các dịch vụ thanh toán khác tại Việt Nam và Cơ hội - thách thức với hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam trước làn sóng Fintech, Diễn đàn Thanh toán Điện tử Việt Nam 2016 (VEPF 2016) được Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 24/11, tại Hà Nội.

Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, trong đó có chú trọng các giải pháp nhằm phát triển thanh toán điện tử đối với giao dịch bán lẻ. Đề án cũng sẽ thúc đẩy hoạt động của cả các tổ chức không phải ngân hàng tham gia hỗ trợ hoạt động thanh toán, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo đó, NHNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để khuyến khích các tổ chức không phải là ngân hàng tham gia hỗ trợ các ngân hàng trong hoạt động ngân hàng nói chung và lĩnh vực thanh toán nói riêng, đảm bảo là phù hợp với xu hướng thế giới.

Tuy nhiên, theo Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Ngân hàng Nhà nước, trong quá trình triển khai các nội dung tại Thỏa thuận hợp tác liên Bộ vẫn còn tồn tại một số vấn đề như việc kết nối hệ thống thanh toán của kho bạc nhà nước và hệ thống IBPS của Ngân hàng Nhà nước chưa thông suốt.

Các ngân hàng thương mại tuy đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa dịch vụ, mở rộng mạng lưới khách hàng, nhưng nhìn chung hạ tầng phục vụ thanh toán phân bố chưa đều. Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương, chia sẻ, thúc đẩy thanh toán điện tử phụ thuộc vào các bên, các đơn vị cung cấp trung gian thanh toán, dịch vụ.

Nếu trước đây thanh toán là cản trở lớn với thanh toán điện tử Việt Nam thì 1-2 năm gần đây yếu tố thanh toán đã được cải thiện, hạ tầng thanh toán đã phát triển nhanh, mạnh với 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán gia nhập thị trường. “Vấn đề còn lại là nằm ở các doanh nghiệp cung cấp hàng hoá dịch vụ và lòng tin của người tiêu dùng. Trong đó yếu tố an toàn trong giao dịch thương mại điện tử sẽ quyết định niềm tin của người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ. Hiện 7% giao dịch trên thị trường được thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử.

Cùng với sự phát triển thanh toán điện tử những năm gần đây, làn sóng Fintech (các doanh nghiệp công nghệ cung ứng dịch vụ tài chính trên nền tảng Công nghệ thông tin) đã xuất hiện. Một số fintech đã khẳng định được tên tuổi như: FPT Ventures, IDG Ventures, NexTTech Investment, M-Service, Fundstart, Loanvi.com, MyMoney.vn, 1pay…

Theo thống kê từ NHNN, cơ quan này đã cho cấp Giấy phép cho 16 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó cho phép 01 tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (NAPAS) và 15 tổ chức cung ứng dịch vụ Cổng thanh toán điện tử; Hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Hỗ trợ chuyển tiền điện tử và Ví điện tử.

Ông Nghiêm Xuân Thành, lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cũng thừa nhận, hiện nay, nhiều giao dịch được tính bằng giây, thay vì bằng ngày và giờ như trước. Do đó, ngân hàng nào chậm chân áp dụng công nghệ sẽ đứng trước nguy cơ mất thị phần vào tay fintech. Đây cũng là lý do mà nhiều ngân hàng đang chạy đua để đầu tư cho công nghệ số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh thanh toán điện tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO