Dệt may đối diện nhiều thách thức

Minh Phương 09/11/2017 09:25

Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng của ngành dệt may không cao.


Cần nâng cao giá trị cho ngành dệt may.

Nhiều năm qua, ngành dệt may luôn là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Số liệu thống kê cho biết, năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm trước, nhập khẩu dệt may năm 2016 đạt 17 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2015, tỷ lệ giá trị gia tăng của hàng dệt may năm 2016 là 51,3%, tăng 0,3% so với năm 2015. Tính đến hết tháng 9-2017, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 23 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, nhập khẩu dệt may đạt 14 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể khẳng định, ngành dệt may đang có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, những khó khăn nội tại của ngành dệt may đang trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển của ngành này. Cụ thể, hàng loạt những khó khăn được chính lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu lên, mà một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đó là công nghiệp phụ trợ dệt may chưa phát triển.

Điều này đang khiến cho các DN dệt may khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, tình trạng “nút thắt cổ chai” tại công đoạn dệt nhuộm, vải không đủ phục vụ may (trên 70% vải là nhập khẩu) gây ra sự phát triển mất cân đối, khó có sự ổn định, thiếu tính bền vững và tất nhiên, khi lượng nguyên liệu phải nhập lớn thì giá trị gia tăng cũng không cao.

Theo chia sẻ của nhiều DN dệt may, do trong nước vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên các DN vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu là chủ yếu để phục vụ cho các hợp đồng ký kết với các đối tác. Điều này không những làm giảm giá trị gia tăng mà còn khiến DN luôn ở thế bị động. Hiện, một DN lớn có lượng xuất khẩu hàng may mặc vào loại “khủng” của Việt Nam như Tổng Công ty May Sài Gòn 3 vẫn phải nhập đến 70% lượng vải từ nước ngoài, chỉ có 30% là chủ động được từ lượng vải nội địa.

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cũng cho rằng, một trong những điểm yếu hiện nay là chúng ta chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may và đây là nguyên nhân chính làm cho ngành dệt may có giá trị gia tăng thấp so với nhiều nước trên thế giới. Và để khắc phục những tồn tại trên, nhằm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Chính phủ và các Bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dệt may đối diện nhiều thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO