Dệt may, đối diện và vượt khó

Minh Phương 25/07/2016 09:00

Lao động ngành dệt may của Việt Nam có nguy cơ thất nghiệp cao trong vòng 2 thập kỷ tới, vì ngành may mặc sẽ được tự động hóa cao- đó là nhận định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, nhận định đó là hoàn toàn có cơ sở. Vì thế,chúng ta phải đối diện để vượt qua.

Dệt may, đối diện và vượt khó

Dệt may hiện là ngành đang sử dụng nhiều lao động,
vì thế cần giải pháp đón đầu khi tỷ lệ tự động hóa tăng cao. (Ảnh: T.L).

Nguy cơ thất nghiệp cao

Theo ILO, việc làm của gần 90% lao động khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam trong ngành may mặc và da giày có thể bị ảnh hưởng bởi các dây chuyền tự động hoặc máy may robot. “Tại các quốc gia ASEAN, 9 triệu người - trong đó phần lớn là phụ nữ trẻ đang phụ thuộc vào các công việc trong ngành dệt may, sản xuất giày dép. Đây là những lao động dễ có nguy cơ mất công ăn việc làm bởi lực lượng lao động mới như máy móc tự động” – ILO nhấn mạnh.

ILO cho biết các công nghệ như in 3D, công nghệ nano, tự động hóa robot có thể tạo biến chuyển lớn cho ngành này. “Robot đang ngày càng lắp ráp tốt hơn, rẻ hơn, tăng khả năng hợp tác với con người” – báo cáo của ILO khẳng định.

Ông Jae-Hee Chang, đồng tác giả báo cáo của ILO cho biết các công ty đang quan tâm đến công nghệ tự động hóa vì cạnh tranh về chất lượng, giá cả cũng như giảm thiểu rủi ro. Được biết, Adidas đã tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất giày bằng máy móc tự động tại một nhà máy ở Đức vào năm 2017. Theo Adidas, khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ chỉ sử dụng 160 nhân công với 2 dây chuyền tự động sản xuất đế và thân giày. Hiện tại, một chiếc giày Adidas mất tới 18 tháng từ lúc lên ý tưởng đến khi được bày bán. Tuy nhiên, hãng này hy vọng quá trình này sẽ rút ngắn chỉ còn 5 giờ.

Có thể thấy, công nghệ hiện đại, những dây chuyền tự động hóa đã và đang dần thay thế sức lao động của con người. Song bên cạnh những mặt tích cực là có thể nâng cao năng lực sản xuất, giảm giá thành… thì việc sử dụng các công nghệ hiện đại cũng đang là mối đe dọa đối với hàng triệu người lao động trong ngành may mặc, da giày của Việt Nam. Và theo như nhận định của ILO, 86% lao động thuộc hai ngành này sẽ có nguy cơ thất nghiệp vì tự động hóa.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, nhận định này của ILO là hoàn toàn có cơ sở. Vì hiện nay, xu hướng tự động hóa trong ngành này ngày càng cao, đặc biệt là ngành sản xuất sợi. “Nếu như bình thường đầu tư cho ngành sợi khoảng 5 vạn cọc, cần 450 công nhân để tham gia sản xuất, thì tự động hóa sẽ cắt giảm chỉ còn khoảng trên 200 nhân công” – ông Giang cho biết. Hiện nay, do tình hình khó khăn, chi phí đầu vào gia tăng, chi phí lương cho công nhân chiếm một khoản lớn, đặc biệt lương tối thiểu mỗi năm lại rục rịch tăng nhiều phần trăm, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chi trả của DN, do đó, nhiều nhà máy ở Việt Nam đã nâng cấp công nghệ, đầu tư nhiều dây chuyền tự động hóa, giảm lượng nhân công. Đến nay, đã có một số nhà máy dệt tự động hóa đến 80,90%... Trên thế giới đã có nhiều quốc gia đưa vào hệ thống may, dệt, nhuộm hoàn toàn tự động hóa và họ đã giảm rất nhiều lao động. Đó là một thực tế. Một ví dụ rất rõ rệt được ông Giang đưa ra cho thấy, con người không phải tham gia vào quá trình sản xuất mà 100% là máy móc. “Tôi đã từng chứng kiến một dây chuyền sản xuất một chiếc áo sơ mi ở Mỹ. Từ khâu cắt, may, đến dập khuy… tất cả các công đoạn đều được làm bởi robot. Và chỉ trong vòng 7 phút, chiếc áo sơ mi đã được hoàn thành và không hề có một lỗi nhỏ. Sản xuất bằng dây chuyền tự động hóa giảm nhiều nguy cơ mắc lỗi, do đó, giảm được những nguy cơ hàng hỏng, lãng phí…” – ông Giang cho hay.

Dệt may, đối diện và vượt khó - 1

Dệt may được dự báo sẽ giảm nhiều lao động trước xu hướng tự động hóa.

Bắt đầu từ chính sách

Tuy nhiên theo khẳng định của Chủ tịch Vitas, chỉ một vài công đoạn có thể tự động hóa hoàn toàn như ngành dệt, nhuộm, hay khâu dập khuy… riêng ngành thời trang thì khó có thể tự động hóa hoàn toàn, vì đây là ngành đòi hỏi sự phong phú, đa dạng trong thiết kế. “Mặc dù khâu dệt, nhuộm có thể tự động hóa hoàn toàn song, số lao động thuộc khâu này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (khoảng 18%), còn lại trên 80% là lao động may. Do đó, tự động hóa cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến lao động ngành may trong thời gian tới. Dự báo của ILO mặc dù là có cơ sở song không đáng lo, vì ngành may mặc không thể may một loạt sản phẩm giống nhau mà đòi hỏi sự sáng tạo, khác biệt, do đó cần sự tham gia của con người nhiều hơn là máy móc” – ông Giang nhận định.

Cùng chung quan điểm với Chủ tịch Vitas, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Vitas cũng cho rằng, ngành may mặc khó có thể tự động hóa hoàn toàn các khâu, vì xu hướng tiêu dùng yêu cầu sự phong phú, đa dạng chứ không phải là đồng phục. “Tự động hóa trong dệt may là ý tưởng viển vông, chỉ có thể ở một công đoạn nào đó thôi. Hiện nay lao động ngành dệt may đang ở con số 3 triệu và tương lai sẽ tăng lên 6 triệu” – ông Dương trấn an.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương, hiện tại ngành dệt may vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó trong xuất khẩu khi các đơn hàng vẫn đang trên đà sụt giảm. Do đó, để khắc phục những khó khăn hiện nay, các DN trong ngành cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao sức cạnh tranh. Song bên cạnh đó, rất cần sự hỗ trợ của cơ chế chính sách từ phía nhà quản lý. Theo ông Dương, hiện nhiều chính sách đưa ra không phải để tạo động lực cho DN phát triển mà làm DN khó thêm như Thông tư 37 chẳng hạn. Bởi vậy, để có thể vượt qua những khó khăn hiện nay, các DN ngành dệt may mong muốn môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện tốt hơn, các cơ chế chính sách đưa ra cần tạo động lực phát triển để các DN có thể vượt khó trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dệt may, đối diện và vượt khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO