Doanh nghiệp bất động sản: Kêu trời vì thuế 'tréo ngoe'

Minh Phương 12/05/2016 06:34

Một quy định trong lĩnh vực thuế được cho là đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bất động sản, đó là quy định về việc không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản để bù trừ cho các hoạt động kinh doanh khác bị thua lỗ. Khá nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, quy định này là lỗi thời, không còn phù hợp với thời điểm hiện nay và trở thành rào cản hạn chế sự phát triển của chính doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kêu khó vì quy định không được bù trừ lãi trong kinh doanh bất động sản sang lĩnh vực khác. Ảnh: Hoàng Long.

Thuế chỉ tận thu mà chưa hỗ trợ

Những ngày qua, trong giới kinh doanh bất động sản xôn xao vì những quy định liên quan đến vấn đề thuế đang kìm hãm sự phát triển của các DN thuộc lĩnh vực này. Cụ thể, theo Luật Thuế 32/2013/QH 13 sửa đổi Luật Thuế TNDN ghi rõ, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế.

Còn theo Nghị định số 218/NĐ-CP, Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN, trường hợp trong các kỳ tính thuế trước, DN đang bị lỗ thì phải chuyển lỗ tương ứng với các hoạt động có thu nhập… và được lưu ý là không bao gồm thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Nhiều DN ngành bất động sản đã bày tỏ bức xúc khi cho rằng, những quy định nói trên đang bộc lộ sự đối xử bất công đối với các DN ngành bất động sản. Cụ thể, theo chia sẻ của ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thanh Bình Hà Nội, về nguyên tắc, các DN được kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực mà Luật pháp không cấm.

Và Luật Đầu tư 2014 đã quy định nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật cho phép. “Nếu đã cho phép như vậy, thì tiền đầu tư của chúng tôi bỏ ra nếu có lãi ở mảng này phải được bù trừ vào những mảng chúng tôi thua lỗ, tại sao lại cấm?” – ông Thanh đặt câu hỏi và nêu quan điểm: Quy định này đang chứng tỏ nhà quản lý chỉ muốn tận thu của DN mà không có hình thức hỗ trợ nào cho cộng đồng DN.

Cùng một công ty nhưng chúng tôi hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì phải cho phép chúng tôi bù trừ lỗ lãi cho nhau, để cân đối tài chính. Đơn cử, ngoài bất động sản, nếu tôi kinh doanh thêm khách sạn, dịch vụ... mà mảng này lãi, mảng kia lỗ thì phải bù cho nhau, vì đều là đồng vốn của DN. Quy định lại tách bạch riêng lĩnh vực bất động sản ra như vậy là quá bất hợp lý” – lãnh đạo một công ty địa ốc cũng nêu lên bức xúc.

Đơn cử, đại diện một công ty BĐS hiện đang kinh doanh thêm ngành xây dựng cho biết, năm 2015 mảng vật liệu xây dựng công ty lỗ 10 tỉ đồng, trong khi kinh doanh BĐS công ty lời trên 50 tỉ đồng. Nếu là các ngành nghề khác, công ty được chuyển lợi nhuận qua ngành vật liệu xây dựng 10 tỉ và chỉ đóng thuế thu nhập DN trên 40 tỉ đồng.

Nhưng theo quy định hiện hành, công ty phải đóng thuế TNDN cho tất cả khoản lợi nhuận của BĐS là 50 tỉ đồng mà không được bù trừ khoản lỗ 10 tỉ lỗ kinh doanh vật liệu xây dựng. Đây là một sự phân biệt, đối xử bất công và có cái nhìn kỳ thị đối với các DN bất động sản.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, mọi hoạt động kinh doanh đúng luật của một DN phải được coi như nhau. Không nên tách bạch riêng các lĩnh vực ra như vậy. Quy định “tréo ngoe” trên không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN kinh doanh đa ngành trong đó có bất động sản mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động xử lý nợ xấu hiện nay.

Vì phần lớn hiện nay các DN kinh doanh bất động sản đều “nhảy” sang các lĩnh vực khác, nếu kinh doanh không hiệu quả thì phải tìm cách bán bất động sản, nhưng bán đi thì phải nộp thuế ngay thành ra nợ ngân hàng vẫn không giải quyết được.

Ở một góc nhìn khác…

Tuy nhiên, không hoàn toàn cho rằng quy định này đang làm khó các DN ngành bất động sản, ông Trần Như Trung - Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư và thương mại Thủ đô lại có một góc nhìn riêng. Theo ông Trung, đứng ở góc độ là DN, quy định nói trên đúng là có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành bất động sản, bởi vì, khi DN lãi ở lĩnh vực bất động sản mà lại không được chuyển lãi đó sang lĩnh vực kinh tế khác khi lĩnh vực đó bị thua lỗ thì đúng là cũng khó khăn cho DN.

Tuy nhiên, nếu nhìn đa chiều, đây lại là một trong những biện pháp của nhà quản lý nhằm hạn chế DN hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, quá ôm đồm nhiều lĩnh vực mà không tính đến hiệu quả của nó.

“Nói tiền đầu tư là tiền vốn của DN, điều đó không sai. Nhưng nếu DN quá ôm đồm, không giỏi mảng nào mà cũng lao vào kinh doanh mảng đó, gây ra thua lỗ, trì trệ thì nó sẽ kéo theo những ảnh hưởng khác đến cả xã hội chứ đừng nói tiền của DN mà không ảnh hưởng đến ai” – ông Trung nhận định và đưa ra dẫn chứng: Đơn cử thế này, ở góc độ về chính sách đất đai, có những dự án không hiệu quả gây ra tình trạng hàng ngàn ha đất bị bỏ phí trong khi đó nhiều DN không có đất để hoạt động sản xuất kinh doanh, không tiếp cận được. Rõ ràng nếu một DN hoạt động không hiệu quả nó sẽ ảnh hưởng đến tình hình chung của xã hội chứ đâu phải mỗi DN đó.

“Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận, trong thời kỳ hiện nay, nền kinh tế đã mở, cũng cần phải có sự tự do hóa nhưng, thực tế mà nói, năng lực, trình độ của nhiều DN nhỏ và vừa chỉ có thể mạnh điểm này mà không mạnh ở điểm khác, các DN không nên quá ôm đồm nhiều lĩnh vực mà chỉ nên tập trung vào mảng mạnh nhất của mình” – ông Trung nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp bất động sản: Kêu trời vì thuế 'tréo ngoe'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO