Doanh nghiệp 'chết lâm sàng'

Hồ Luân 04/04/2016 09:00

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng dần theo thời gian. Nếu như năm 2010, cả nước có khoảng 40.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động thì đến năm 2014 con số này lên đến gần 68.000 doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp 'chết lâm sàng'

Ảnh minh họa.

Năm 2015, có hơn 71.000 doanh nghiệp đóng cửa cùng 95.000 doanh nghiệp giải thể. Ngay trong năm 2016, tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao song riêng 2 tháng đầu năm con số doanh nghiệp đóng của tăng 17,3% so với 2 tháng đầu năm 2015. Nhìn vào con số “sinh – tử” của doanh nghiệp thấy rõ, số doanh nghiệp thành lập mới có thể to hơn nhiều nhưng số đóng cửa cũng không hề nhỏ.

Điều này chứng tỏ, doanh nghiệp Việt ngày càng nhỏ về tầm vóc và quy mô. Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta mừng về số liệu doanh nghiệp thành lập mới khá lớn nhưng cần lưu ý đến số doanh nghiệp đóng cửa, nếu không tính nguy kịch của con số đóng cửa lan nhanh. Nhiều người còn quan ngại, doanh nghiệp cứ li ti dần đều thì liệu chúng ta cạnh tranh như thế nào trong thời gian tới?

Năm 2015, kinh tế lạc quan vì phục hồi vững chắc và ổn định, lạm phát đạt quá mức cần thiết. Thế nhưng, cấu trúc kinh tế phụ thuộc hoàn toàn đầu vào của doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Công lớn nhất trong việc phục hồi kinh tế lại do chính FDI tạo ra. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của FDI chiếm tỷ lệ 60 – 70%, phần còn lại doanh nghiệp nội địa nỗ lực đóng góp. Bởi vì doanh nghiệp nội địa chưa có sự chuyển biến mạnh, đặc biệt khó khăn đối với một số lĩnh vực cụ thể.

Ngoài ra, doanh nghiệp nội địa chỉ tập trung khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô. Thay vì sản xuất theo hướng chế biến tinh, doanh nghiệp trong nước chủ yếu tập trung ở các khâu lắp ráp và gia công. Khó khăn chồng chất khó khăn khi doanh nghiệp vừa “mở cửa” đã phải đóng thuế; lo nghĩ đến nguồn vốn đầu tư, phát triển; chạy đầu vào, lo đầu ra. Tiếp cận nguồn vốn cực kỳ khó khăn. Tiếp cận được thì lãi suất cao ngất ngưởng, làm ra một đồng phải trả nợ ba đồng…

Chưa hết, doanh nghiệp kỳ vọng nhiều vào hoạt động cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng hơn nhưng tình hình cải thiện vẫn chưa đúng mức. Doanh nghiệp vẫn phải chịu cảnh “một cổ nhiều tròng”. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể phát triển mạnh do khó khăn tiếp cận nguồn lực, gánh nặng về chi phí không chính thức.

Kêu nhiều về các quy định không thông thoáng, thể chế chậm thay đổi để phù hợp với tình hình mới song mọi vấn đều “giậm chân tại chỗ” hoặc không mấy cải thiện. Quan ngại hơn, kinh tế thị trường đang mở rộng cửa để hội nhập, thương trường hứa hẹn những cuộc cạnh tranh và khó trụ vững nếu không có những giải pháp hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp 'chết lâm sàng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO