Doanh nghiệp điêu đứng vì hàng nhái

Minh Phương 19/11/2016 09:15

Vấn nạn hàng giả hàng nhái vẫn tràn lan không chỉ gây tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của cộng đồng DN. Theo phản ánh của nhiều DN, một sản phẩm họ vừa cho ra đời không lâu sau đã xuất hiện trên thị trường sản phẩm nhái tương tự với giá rẻ hơn nhiều lần. Như vậy, DN dù có muốn hạ giá thành đến đâu cũng không thể “đấu lại” được với hàng nhái.

Cái khó của người tiêu dùng hiện nay là họ không phân biệt được
đâu là hàng thật và đâu là hàng giả.

Hấp dẫn vì giá rẻ

Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, trong 10 tháng năm 2016, riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 145.000 vụ; phát hiện, xử lý gần 88.000 vụ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, thu nộp ngân sách nhà nước trên 523 tỷ đồng. Một trong những lĩnh vực bị làm giả, làm nhái nhiều phải kể đến hàng dệt may, giày dép.

Điều đáng nói, các sản phẩm được bày bán ở các chợ cũng được gắn nhãn mác “Made in Việt Nam”. Thực trạng này cho thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập ngoại giá rẻ đội lốt “made in Việt Nam” vẫn đang tràn lan trên thị trường và đang làm giảm sức cạnh tranh của các DN làm ăn chân chính. Theo đại diện của công ty Bitas, chuyên sản xuất, xuất khẩu giày dép, nếu như một sản phẩm dép xăng – đan của công ty có giá 300.000 – 400.000 đồng/ đôi thì ở trên thị trường, một đôi dép có mẫu mã tương tự, chất liệu na ná chỉ có giá hơn 100.000 đồng.

Nhiều DN dệt may, da giày cũng cho biết, có khi vừa đưa ra thị trường một sản phẩm mới chất liệu tốt, mẫu mã đẹp thì một thời gian ngắn sau đó, đã xuất hiện những sản phẩm tương tự giá chỉ bằng 50% giá thành sản phẩm chính hãng.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Thương mại sản xuất Dệt May và Du lịch Bình Anh, thời gian qua, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã làm thay đổi tư duy của phần lớn người tiêu dùng, họ không còn ưa chuộng sản phẩm giá rẻ nữa. Tuy nhiên, cái khó của người tiêu dùng hiện nay là họ không phân biệt được đâu là hàng thật và đâu là hàng giả trên thị trường do đó nếu không ngăn chặn được vấn nạn hàng giả, hàng nhái thì cả DN cũng như người tiêu dùng đều sẽ chịu thiệt.

Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, chưa bao giờ hàng gian, hàng giả lại bày bán tràn lan và công khai cạnh tranh với hàng thật, hàng chính hiệu của các công ty có tên tuổi và uy tín trên thị trường như hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn, hàng giả, hàng nhái bày bán tràn lan tại các chợ truyền thống.

Việc hàng nhái, hàng kém chất lượng ngang nhiên bày bán trên thị trường, công khai cạnh tranh với hàng thật đang khiến nhiều DN Việt điêu đứng. Và sức cạnh tranh của DN Việt đang bị triệt tiêu dần bởi chính vấn nạn này.

Vẫn có đất sống

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thừa nhận, mặc dù cơ quan chức năng vào cuộc một cách mạnh mẽ, tập trung đẩy lùi song, vấn nạn hàng giả hàng nhái vẫn đang có đất sống, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Để ngăn chặn vấn nạn hàng gian, hàng giả, bảo vệ DN, bảo vệ người tiêu dùng, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, thời gian tới, cơ quan này sẽ tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an trong việc xử lý các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, để hạn chế thấp nhất thực trạng bày bán công khai hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ đặc biệt trên các tuyến phố của các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. ”Đặc biệt, đối với người đứng đầu các địa bàn, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, theo các chuyên gia trong ngành, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân. “Bản thân mỗi DN, người dân phải ý thức được rằng, nếu họ không chủ động vào cuộc thì vấn nạn này đe dọa đến chính quyền lợi của họ. Còn như hiện nay, nhiều DN, người dân vẫn khá thờ ơ với việc chống hàng giả, coi việc này không phải của mình nên đã góp phần “tiếp tay” cho vấn nạn” – ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp điêu đứng vì hàng nhái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO