Doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh vì tăng lương?

L.H. 13/09/2017 11:30

Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo cho rằng, tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng tương ứng sẽ làm tăng chi phí của các DN, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế.


Quang cảnh Hội thảo.

Ngày 13/9 tại Hà Nội, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam) đã công bố báo cáo nghiên cứu “ Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam”.

Theo báo cáo, lương tối thiểu tăng ở mức trung bình hằng năm đạt hai con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng

Cụ thể tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% năm 2007 đạt mức 50% năm 2015. Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác.

Từ năm 2007 đến 2015, lương trung bình tại Việt Nam tăng 1,5 lần (mức tăng là 2 lần trong giai đoạn 2004-2015). Lương trung bình tăng nhanh đến năm 2010 nhưng chậm lại đáng kể trong giai đoạn 2010-2014, phần nào phản ánh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, phần chi trả cho các khoản bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo thời gian.

“Năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn mức chi phí tại Indonesia” báo cáo nêu rõ.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, trong trường hợp những lợi ích từ các khoản đóng góp này không được nhìn nhận bởi người lao động, khoản đóng góp bảo hiểm khá lớn ở Việt Nam có thể tạo ra những “khoảng trống thuế” (Nêm thuế - tax wedge) giữa chi phí lao động mà doanh nghiệp phải gánh chịu với khoản thu nhập thực tế của người lao động.

Ngoài ra, phân tích ở mức độ doanh nghiệp với trọng tâm là các doanh nghiệp tư nhân và FDI trong các ngành chế biến chế tạo đã chỉ ra rằng, tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm trong tất cả các ngành công nghiệp.

Doanh nghiệp có quy mô lớn hơn (thể hiện qua số lượng lao động nhiều hơn) thì cắt giảm việc làm nhiều hơn. Về đầu tư máy móc, khi mức lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc, trong khi các ngành công nghiệp thâm dụng vốn như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc. Điều này cho thấy doanh nghiệp chỉ tiếp tục mở rộng sản xuất và đầu tư vào máy móc (để thay thế lao động) trong những ngành Việt Nam đang có lợi thế so sánh tĩnh.

Còn với một số ngành quan trọng khác, doanh nghiệp có thể không muốn mở rộng vì lo ngại giá lao động sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, và do đó mất đi lợi thế cạnh tranh.

Từ những thực tế trên Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo cho rằng, tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng tương ứng sẽ làm tăng chi phí của các DN, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế. Đại diện JICA khuyến nghị Viêt Nam cần chú ý đến cơ chế tiên lượng, điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh vì tăng lương?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO