Đốc thúc cải thiện môi trường đầu tư

Hồ Hương (ghi) 02/08/2015 10:05

Nghị quyết 19 (Nghị quyết 19/ NQ – CP) là chìa khóa để nâng cao môi trường cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam. Nhưng theo đánh giá của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - ông Nguyễn Đình Cung: Cần phải đốc thúc lại sự tham gia của Bộ ngành.

Đốc thúc cải thiện môi trường đầu tư

Ông Nguyễn Đình Cung.

Hàng trăm điều kiện kinh doanh không hợp lý vẫn đang tồn tại dẫn đến cản trở hoạt động kinh doanh của DN. Bộ Kế hoạch Đầu tư đang tiến hành rà soát, và nếu những điều kiện nào không hợp lý thì tiến tới kiến nghị bãi bỏ. Đây là việc làm rất khó nhưng nếu làm được sẽ nâng cao được môi trường kinh doanh cho DN. Và nghị quyết 19 nhằm trọng tâm này.

Theo ông Cung, đánh giá một cách công bằng, một số Bộ trưởng như Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính (trong đó có Tổng cục Hải quan) ở mức độ nào đó đã nhận thức được yêu cầu cải cách điều kiện kinh doanh. Bộ Tài chính hăng hái chủ động tiên phong trong cải thiện các quy định thông quan hàng hóa qua biên giới. Còn lại, hình như các bộ vẫn chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của cải cách các nhóm quy định pháp luật này tác động đến môi trường kinh doanh.

Một số bộ thậm chí còn ban hành quy định trái nội dung, quy định, thẩm quyền tạo thêm rào cản cho DN. Thủ tướng chỉ đạo các cuộc họp Chính phủ luôn nhắc nhở, lưu ý triển khai nhưng quá trình triển khai phía dưới tôi chưa nhìn thấy động năng của Chính phủ được chuyển tải, thậm chí còn có phản ứng chưa triển khai thực hiện hoặc lùi triển khai. Đây là những điểm cần thúc đẩy lại” - theo ông Cung.

Các cuộc họp của Chính phủ đều nhắc nhở chú ý đến thẩm quyền, tinh thần tạo thuận lợi kinh doanh cho DN, để hội nhập được. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng là tạo chất xúc tác đuổi kịp các nước bạn về tăng trưởng và tốc độ phát triển. Nếu không cải thiện môi trường kinh doanh thì tăng trưởng của chúng ta cứ ở mức 5-6%, trong khi đó muốn đuổi kịp các nước bạn thì tốc độ tăng trưởng lên mức 7-8%/năm.

Bước sang năm 2016, các yêu cầu của nghị quyết thậm chí còn cao hơn nhiều, theo đó các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu, như khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; thời gian cấp phép xây dựng theo phương pháp của Ngân hàng Thế giới tối đa không quá 77 ngày (hiện nay là 114 ngày); thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 14 ngày (hiện nay là 57 ngày); tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 50 nước đứng đầu.

Các tiêu chí khó hơn thì cần phải quyết tâm hơn nữa trong thay đổi. Ví dụ như năm ngoái giảm được 400 giờ nộp thuế dễ dàng thực hiện được từ việc thay đổi các văn bản. Nhưng năm nay thay đổi văn bản thôi không đủ mà phải thay đổi cả kỹ năng, quy trình. Giảm 50 giờ tới đây còn khó hơn nhiều so với giảm 400 giờ năm ngoái.

"Riêng địa phương TP HCM tích cực và chủ động. Họ có phản ứng rất tích cực là triển khai ngay. Trước hết họ phổ biến nội dung Nghị quyết này cho các lãnh đạo các đơn vị trong phạm vi thành phố và yêu cầu các lãnh đạo ban hành kế hoạch riêng của từng bộ phận theo từng chỉ số của NQ 19".

“Tôi không thích tư duy theo lối cứ không làm gì thì phạt. Cách tiếp cận đó là cách tiếp cận luôn đẩy người ta vào đối trọng lẫn nhau chứ không phải đối tác. Cách tiếp cận là phải tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức đổi mới tư duy, thêm vào đó phải tạo áp lực. Cách làm hiệu quả nhất là công khai, minh bạch” - ông Cung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đốc thúc cải thiện môi trường đầu tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO