Đối diện phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp vẫn 'mờ' thông tin

Minh Phương 30/09/2017 07:45

Càng hội nhập sâu, các doanh nghiệp (DN) càng đối diện với nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt đối với các thị trường khó tính như Úc, Hoa Kỳ…

Làm cách nào để đối phó với những cuộc điều tra đó một cách “xuôi chèo mát mái”, đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Kinh nghiệm xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Úc” do Bộ Công thương tổ chức sáng 29/9 tại Hà Nội.

Sản phẩm từ cá tra của Việt Nam cũng từng bị áp thuế chống phá giá khi vào thị trường Mỹ.

2 năm trở lại đây, Úc bỗng đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Phương Nam- phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, chúng ta đã rất thành công khi kháng kiện tốt 2 vụ kiện gần đây với nhôm ép và thép mạ. Kinh nghiệm cho thấy, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong đáp ứng các yêu cầu, nghĩa vụ phòng vệ, nhưng nếu doanh nghiệp không chủ động trong phòng vệ thì chúng ta vẫn thua kiện.

“Ngược lại, khi chúng ta có ý định khởi kiện điều tra các sản phẩm của nước ngoài, thì cơ quan điều tra theo quy định của Việt Nam được quyền khởi xướng, nhưng vấn đề ở đây, số liệu ở đâu ra. Do vậy, vẫn cần có sự hợp tác, hỗ trợ từ phía DN”- ông Nam nhận định.

Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), thị trường Úc là một thị trường rất cởi mở và giàu tiềm năng đối với nhiều lĩnh vực hàng hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường khá khắt khe khi nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Bởi vậy, vào được thị trường này, các DN Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị những hành trang thích hợp để đối phó với những tình huống khó xảy ra, nhất là các công cụ phòng vệ thương mại mà nước bạn “giăng” ra.

Đơn cử, Tôn Hoa Sen là một doanh nghiệp hiểu rõ một khi các đơn vị tiến hành điều tra thì sẽ tác động tới hàng hóa xuất khẩu như thế nào. Và phần lớn các vụ Úc khởi xướng điều tra thì Tôn Hoa Sen đều đã vượt qua được.

Ông Vũ Văn Thanh- phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho hay, hiện có rất ít văn phòng luật sư trong nước có kinh nghiệm ứng phó với các vấn đề phòng vệ thương mại, nhất là các vụ việc xảy ra ở nước ngoài.

Trong khi đó, việc thuê luật sư nước ngoài có chi phí rất tốn kém. Tại các DN Việt Nam, nguồn nhân lực có kinh nghiệm về phòng vệ còn khan hiếm...

Để giải quyết vấn đề này, Tập đoàn Hoa Sen đã lựa chọn luật sư bản xứ, có liên kết với văn phòng luật sư tại Việt Nam và đồng thời thành lập bộ phận chuyên xử lý các vấn đề phòng vệ thương mại, đào tạo và tuyển dụng lâu dài...

Hay như trong vấn đề hợp tác với các cơ quan điều tra và tuân thủ các quy định liên quan, hầu hết DN trong nước thường e ngại và không cung cấp một số thông tin nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến kinh doanh, dẫn đến bị kết luận không hợp tác và nhận biên phá giá cao nhất, không tuân thủ các thời hạn về nộp bản trả lời câu hỏi...

Do vậy, ông Thanh cũng chia sẻ, cần hợp tác, cung cấp đầy đủ và minh bạch các thông tin số liệu khi được yêu cầu; tìm hiểu kỹ các quy định, định nghĩa khi trả lời câu hỏi; các số liệu cần phải lưu trữ tối thiểu 5 năm theo quy định để có thể dễ dàng truy xuất khi cần thiết cung cấp.

Theo luật sư Đinh Ánh Tuyết (Văn phòng luật sư IDVN), có rất nhiều thách thức trong kháng kiện điều tra phòng vệ thương mại tại Úc. Đơn cử như các cơ quan điều tra yêu cầu báo cáo số liệu nhiều, chi tiết, phức tạp và phải chứng minh được; thời hạn trả lời ngắn; đồng thời yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội và Chính phủ Việt Nam, luật sư tư vấn…

Đó là tất cả những vấn đề mà các DN Việt Nam cần phải nắm bắt, do đó, trước những nguy cơ đối diện với các cuộc phòng vệ thương mại, luật sư Tuyết cho rằng, để có thể kháng kiện thành công, phía Việt Nam cần xem xét kỹ lưỡng các cáo buộc của nguyên đơn về các chương trình trợ cấp; từ đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, hiệp hội để có thể được hỗ trợ thông tin một cách đầy và có thể giải trình các chương trình bị cáo buộc cho cơ quan điều tra Úc. Cùng với đó là chuẩn bị và được tư vấn từ ban đầu về chiến lược biện hộ trong điều tra chống trợ cấp và cáo buộc về phòng vệ thương mại.

Riêng đối với DN, luật sư Đinh Ánh Tuyết cũng lưu ý, cẩn trọng và phân tích kỹ lưỡng bản câu hỏi, cáo buộc của nguyên đơn và các dữ kiện thực tế để xây dựng chiến lược thích hợp trước và trong khi chuẩn bị bản trả lời và báo cáo số liệu; Hợp tác nhanh chóng và đầy đủ với luật sư của chính phủ trong việc cung cấp thông tin, số liệu...

Dù thị trường nào, thì DN cũng đang bị điều tra áp thuế, điều đầu tiên phải tự vệ, phải cung cấp thông tin, nộp hồ sơ đúng hạn, hợp tác để thẩm tra một cách “tử tế”.

Một trong những điều mà phía Úc không chấp nhận là số liệu không điều tra được, không thẩm tra, hay số liệu khai gian dối, khai sai... ; họ sẽ áp một số liệu khác vào, thì sẽ rất nguy hại cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối diện phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp vẫn 'mờ' thông tin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO