Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội cất cánh

Quốc Trung 27/09/2017 21:31

Ngày 27/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. Tham dự hội nghị còn có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các bộ ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.

Chuyển đổi mô hình phải dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên

ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố; diện tích khoảng 3,9 triệu ha, chiếm khoảng 12,3% diện tích tự nhiên của cả nước, 19% dân số. Đây cũng là khu vực rộng và đông dân cư thứ 2 trong tất cả các vùng kinh tế của cả nước (chỉ sau đồng bằng châu thổ sông Hồng).

Khu vực ĐBSCL hiện có 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 775km. Thời gian qua, tốc độ xói lở bờ biển khu vực ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, tốc độ xói lở đã vượt tốc độ bồi, làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300 ha/năm. Nếu mực nước biển dâng 100cm sẽ ảnh hưởng 38,9% diện tích đất của ĐBSCL, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%).

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Cần thay đổi nhận thức về ĐBSCL. Sự phát triển của ĐBSCL phải được nhìn ở một thể thống nhất có mối liên kết với các vùng kinh tế như TPHCM. Phải lấy tài nguyên nước là yếu tốt cốt lõi, trung tâm. Tài nguyên nước đã làm nên đồng bằng và đồng bằng cũng cần thay đổi ứng xử với nguồn tài nguyên này. Đồng thời, cần cơ chế đột phá, thu hút khối kinh tế tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển khu công nghiệp.

ĐBSCL đang đối diện nhiều thách thức nội tại: Diện tích đất rừng bị suy giảm, trong đó diện tích đất rừng ngập mặn trong 50 năm qua đã giảm 80%; việc gia tăng thời vụ và sản xuất nông nghiệp quá sức phục hồi của đất. Quy hoạch, đầu tư phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên kết trong khi ĐBSCL là một thể thống nhất, có gắn kết chặt chẽ với vùng TP HCM và tiểu vùng Mekong. Khai thác quá mức nước ngầm làm mặt đất sụt lún cùng với nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lụt. Phát triển, bố trí các khu dân cư chưa hợp lý cùng với khai thác bùn, cát và thiếu hụt lượng phù sa, bùn cát bổ sung dẫn đến sạt lở.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu các nguyên tắc, cần coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên; cân nhắc diện tích trồng lúa; hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện; nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; Sắp xếp lại các nhà máy nhiệt điện trong vùng...

Quan điểm là cần thay đổi nhận thức vùng ĐBSCL như một thể thống nhất; quá trình chuyển đổi mô hình phát triển phải được xem xét trong tổng thể chung của đồng bằng, trong mối liên kết chặt chẽ với vùng TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong Tiểu vùng sông Mekong. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực và theo lưu vực. Coi nước lợ và nước mặn là nguồn tài nguyên, bên cạnh nguồn tài nguyên nước ngọt.

Chuyển đổi mô hình phải dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên; phải kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa. Quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Chuyển đổi mô hình phải đảm bảo tính ổn định, sinh kế của người dân, người dân và doanh nghiệp đóng trung tâm, Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt.

Các báo cáo kiến nghị đề nghị Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN và các địa phương trong vùng, trong 5 năm tới phải giải quyết bộ giống của 3 nhóm sản phẩm: Thủy sản, trái cây, lúa gạo đưa ra được những giống đáp ứng được sản xuất, cạnh tranh; sửa nhanh Nghị định 210 tháo gỡ nút thắt về đất đai, cơ khí; có văn bản quy định để vùng này phải giữ nguyên được diện tích rừng còn lại; cho làm điểm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng mới, đất mới; tập trung xử lý 40 điểm sạt lở ở biển, sông (tổng số đầu tư khoảng 2000 tỷ đồng).


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày 27/9.

Chính phủ sẽ bàn về phát triển bền vững ĐBSCL tại phiên họp thường kỳ tháng 9

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Một trong những tinh thần cốt yếu chính là giữ được đất, giữ được nước, giữ được con người, trên cơ sở đó cần có tầm nhìn để xây dựng ĐBSCL từ vựa lúa trở thành khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tại hội nghị Thủ tướng đưa ra 3 quan điểm phát triển ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn những giá trị văn hóa và cuộc sống sung túc của người dân; thay đổi, đổi mới tư duy phát triển cổ điển sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Lương thực không phải là chống đói mà lương thực là dinh dưỡng, phòng bệnh và chữa bệnh. Vì vậy, ĐBSCL phải có thương hiệu nông sản nổi tiếng, quan điểm phát triển thuận với tự nhiên, chống can thiệp thô bạo vào tự nhiên...

Về đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến 2020 sẽ giải ngân có hiệu quả 1 tỷ USD để làm một số công trình: Cống sông Cái lớn - Cái Bé, cống Trà Sư, Tha La, xử lý một số đoạn sạt lở nghiêm trọng...

Thủ tướng giao cho các cơ quan tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của đại diện các địa phương, tổ chức quốc tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL để Chính phủ bàn trong kỳ họp thường kỳ tháng 9/2017.

Thủ tướng cũng cho biết, định kỳ 2 năm một lần Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị có quy mô tương đương hội nghị này để cùng bàn thảo kế hoạch, rà soát việc thực hiện các mục tiêu, chủ trương, giải pháp để chung tay xây dựng, đưa ĐBSCL đi đến một tương lai tươi sáng.

Tại hội nghị, Thủ tướng thông tin thêm: Hiện nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho ĐBSCL khoảng 20%. Thời gian tới, WB sẽ hỗ trợ cho vay khoảng 300 triệu USD, cộng với các nguồn khác khoảng 1 tỷ USD để đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, chống ngập mặn trong vùng....

Hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ với ĐBSCL mà cho cả nước. Đây chính là cơ hội cất cánh cho ĐBSCL cho dù vẫn đang phải đối diện với những thách thức rất lớn, trong đó có việc tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Ngày 27/9, chủ trì phiên toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả của các hội nghị chuyên đề đã diễn ra trong ngày 26/9, các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn, góp ý nhiều ý kiến rất cơ bản cho sự phát triển ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu, chuyên gia, diễn giả cần đưa ra những giải pháp căn cơ, chiến lược, khả thi, có biện pháp tổng thể, đồng bộ cả về trước mắt và lâu dài, những cơ chế chính sách phù hợp, huy động mọi nguồn lực cho ĐBSCL...; nói thẳng, nói thật để tìm ra những giải pháp tốt nhất, với tinh thần vì ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu phát triển bền vững thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội cất cánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO