Đồng bằng sông Cửu Long: Nguồn lợi mùa nước nổi

Lê Quốc Khánh 11/09/2015 14:10

Từ giữa tháng 8, nước từ thượng nguồn sông Mekong bắt đầu đổ mạnh về hạ lưu theo sông Tiền, sông Hậu mang theo phù sa và nguồn lợi thủy sản. Nếu trước đây, nước lũ được xem là gây hại, phải lo đối phó thì nay được xem là nguồn tài nguyên mà hàng năm thiên nhiên đã ban tặng cho vùng châu thổ sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long: Nguồn lợi mùa nước nổi

Khai thác bông súng ở An Giang.

Chính quyền và người dân An Giang xác định nước lũ là nguồn tài nguyên thiên nhiên cần được quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, đời sống. Hiện nay, 11 huyện, thị, thành ở An Giang có gần 10.000 hộ tham gia sản xuất với 20 nhóm ngành tiểu thủ công nghiệp và trên 10.000 hộ mưu sinh 8 nhóm nghề có tính chất thời vụ, giải quyết việc làm khoảng 600.000 lao động với mức thu nhập thấp khoảng 1 triệu đồng/người/tháng, đã hình thành hàng chục mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt trong mùa nước nổi.

Bình quân mỗi năm, bà con nông dân đã khai thác lợi thế mùa nước nổi tạo ra giá trị hàng hóa khoảng 1.500 tỉ đồng.

Đến huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - một trong những huyện có phong trào nhân dân khai thác lợi thế mùa nước nổi. Nay, các hộ vùng nước nổi của huyện Châu Thành giảm sản xuất lúa vụ 3 và chuyển sang sản xuất rau màu như: bắp nếp, đẫu xanh, dưa leo, cây công nghiệp ngắn ngày và trồng rau nhút, sen, súng, ấu, điên điển kết hợp với nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và mở thêm nhiều ngành nghề, dịch vụ mùa nước nổi. Mỗi năm, các ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn cho hộ nghèo vay trên 5.000 tỉ đồng để sản xuất trong mùa nước nổi.

Đáng kể nhất là mô hình nuôi lươn trong bể đất trước sân nhà. Nhiều hộ dân ở huyện Châu Phú, Châu Thành (An Giang) sống bằng nghề cào hến. Ở ấp Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hanh thuộc huyện Châu Thành có đến hàng trăm hộ gia đình sống bằng nghề cào và luộc hến bán hàng ngày. Mỗi ngày, có hộ cào được khoảng 70 đến 80 kg hến. Ngày ít nhất cũng được 30 đến 40 kg.

Tại Cần Thơ, khi nước lũ bắt đầu đổ về cũng là lúc nhiều hộ dân ở huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh bắt đầu giăng lưới bắt cá, đặt lọp tép, vớt ốc, cua... mưu sinh mùa nước nổi. Là huyện thuần nông, Vĩnh Thạnh có trên 23.500 ha diện tích đất trồng lúa. Mùa lũ năm nay, huyện gieo sạ trên 17.400 ha lúa thu đông, phần còn lại, bà con để đồng trống đưa nước vào ruộng để hứng phù sa đổ về, bồi đắp dinh dưỡng cho đất. Hầu hết người dân đánh bắt thủy sản mưu sinh mùa nước nổi là hộ nghèo. Trước đây, họ phải đi làm mướn nơi khác khi nước lũ đổ về.

Chị Trần Thị Thanh, ở xã Thạnh Quới, cho biết: “Nhà không ruộng đất, vợ chồng tôi làm thuê nhiều nghề, từ dọn dẹp nhà cửa, giữ trẻ đến làm mướn ngoài ruộng để kiếm sống, nuôi con. Đến mùa nước nổi, chúng tôi chuyển sang vớt ốc, kéo cá, hái bông điên điển bán. Mỗi ngày kiếm được 100.000 - 150.000 đồng. Đến lúc chính lũ, từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, cá đổ về nhiều, có thể kiếm mỗi ngày từ 200.000 đến 400.000 đồng. Mùa nước nổi tuy cực khổ nhưng bù lại thu nhập khá hơn so với đi làm mướn".

Anh Trần Văn Tâm, ở xã Thạnh An, cho biết thêm: Năm nào mực nước thấp, chúng tôi chạy lên An Giang để đánh bắt thủy sản. Năm nay, gia đình tôi sắm 3 tay lưới, cả nhà tập trung kéo cá mỗi đêm.

Tại khu vực cầu Sáu Bọng, xã Thạnh Quới, hàng trăm hộ dân đã bắt đầu vớt ốc, lể ốc, cào hến. Công việc này kéo dài khoảng 4 tháng. Khi nước rút thì mọi người tất tả tìm việc khác. Cơ sở thu mua ốc bươu của chị Nguyễn Thị Hằng ở thị trấn Vĩnh Thạnh mua từ 3 đến 4 tấn ốc các loại/ngày, sử dụng khoảng 40 lao động tại địa phương làm các công việc thu mua, vận chuyển, luộc ốc, lể ốc, phơi, sấy và đóng thùng. Mỗi lao động kiếm thêm khoảng 100.000 đồng/ngày giúp ổn định cuộc sống trong mùa nước nổi.

Ngoài ra, các xã, ấp ven sông Hậu còn khai thác lợi thế bãi bồi ven sông Tiền, sông Hậu phát triển nghề nuôi cá tra hầm, nuôi tôm, cá trong ruộng lúa tăng thu nhập hàng chục triệu đồng trong mùa nước nổi. Mô hình nuôi tôm phát triển khoảng 700 ha. Nhiều nơi còn trồng rau màu trên các bờ mương, trồng sen, củ ấu, rau nhút, hái bông điển điển – một loài hoa đặc sản mùa nước nổi ở ĐBSCL.

Trong những năm qua, ngành lao động thương binh và xã hội mở hàng chục lớp dạy nghề cho lao động nông thôn về các nghề đan đát và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt nấm rơm, nấm mèo, bầu, bí, dưa leo, ớt; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá, nuôi lươn đã giúp cho bà con nông dân có thêm kỹ năng nghề nghiệp tự kiếm sống trong mùa nước nổi. Những mô hình sản xuất trong mùa nước nổi thường có vốn đầu tư thấp, phù hợp với hộ nghèo, ít đất sản xuất, nhanh thu hồi vốn nhưng lợi nhuận cao.

Cá biệt, có hộ trồng nấm rơm thu lợi nhuận 70 triệu đồng/ha, trồng ớt đạt trên 100 triệu đồng/ha. Có hộ chỉ có diện tích khoảng 25-30m2 nhưng trong 4 tháng mùa nước nổi thu hoạch hơn 4-5 triệu đồng.

Huyện Thoại Sơn cũng là huyện tạo được nhiều mô hình, điển hình làm giàu trong mùa nước nổi. Nếu trước đây bà con vùng nước nổi Thoại Sơn phải trông chờ có lũ để đợi cứu trợ thì nay cả 17 xã, thị trấn nơi nào cũng có những mô hình làm ăn hiệu qủa như: Câu lưới, đặt dớn, bắt ốc bươu, nuôi cá lồng bè, nuôi cá ao hầm, nuôi lươn, nuôi tôm. Thoại Sơn tạo được mô hình nuôi tôm càng xanh chiếm 80% diện tích toàn tỉnh với gần 550 ha. Sau khi trừ các chi phí, bình quân một hộ nuôi lãi từ 30 đến 50 triệu đồng/ha.

Các mô hình như: Trồng sen, trồng rau nhút, đậu các loại, nấm rơm cũng thu hoạch từ 12 đến 25 triệu đồng trong 4 tháng nước nổi. Những hộ nuôi cá lóc, cá trong lồng bè cũng thu hoạch khoảng 15 triệu đồng. Các nghề chế biến cá khô, sản xuất lưỡi câu, đóng ghe xuồng, làm dầm chèo, đan lưới, dệt chiếu, dệt thảm lục bình, dệt thổ cẩm,…. mang lại thu nhập khá cho cư dân vùng nước nổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Nguồn lợi mùa nước nổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO