Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi

Phương Linh 08/03/2016 00:29

Tại Hội nghị “Sơ kết hơn 1 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (ngày 7/7/2014) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67)” tại Quảng Ngãi ngày 7/3/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Ngành ngân hàng cam kết sẽ đồng hành cùng bà con ngư dân, tiếp tục dành nguồn vốn đầu tư tín dụng để bà con ngư dân thực hiện ước mơ đóng những con tàu công suất lớn, hiện đại đủ sức vươn khơi xa, bám biển làm giàu cho bản thân

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi

Được vay vốn ưu đãi, ngư dân có điều kiện đóng tàu lớn vươn khơi.

Hội nghị do NHNN Việt Nam phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tỉnh ủy, UBND Quảng Ngãi tổ chức. Nghị định 67 được coi là một trong những chính sách quan trọng trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020. Có thể nói, Nghị định 67 là hệ thống các chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ, như: chính sách tín dụng, chính sách đầu tư, chính sách về bảo hiểm, chính sách đào tạo nghề và các chính sách khác.

Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách, ngay từ khi mới được ban hành, Nghị định 67 đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. NHNN Việt Nam cũng luôn xác định việc triển khai Nghị định 67 là nhiệm vụ chính trị của toàn ngành, khẩn trương ban hành Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014 hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện cho vay, ban hành các văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống, đồng thời tổ chức các Hội nghị của ngành tại các địa phương để hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến chính sách tới ngư dân.

Tuy nhiên, do chưa có tiền lệ nên trong quá trình triển khai Nghị định 67 cũng phát sinh một số vướng mắc về kỹ thuật như vấn đề mẫu tàu, xác định giá trị con tàu, sử dụng máy tàu,...Và Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67.

Nghị định 89 bổ sung quy định trường hợp nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy thủy mới, hoặc máy thủy đã qua sử dụng theo quy định. Điều này rất phù hợp với nguyện vọng của ngư dân.

Nghị định 89 cũng đã điều chỉnh thời hạn cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gỗ và vỏ thép. Theo đó, trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu, thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất là 11 năm và 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép, hoặc vỏ vật liệu mới. Năm đầu tiên sau khi giải ngân, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn cho các ngân hàng thương mại.

Nghị định 89 còn sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ chi phí các thiết kế mẫu. Ngư dân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí thiết kế tàu vỏ thép, vật liệu mới có công suất từ 400CV trở lên mà theo Nghị định 67 ngư dân không được hưởng ưu đãi này. Nghị định 89 tăng tỷ lệ vốn vay tối đa đối với các chủ tàu đóng mới, ưu đãi lãi suất và điều chỉnh mức bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, còn có một số thay đổi về chính sách bảo hiểm, yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu theo hướng phù hợp với thực tế.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 có thể khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến ngư dân, luôn tạo điều kiện để bà con ngư dân nhanh chóng tiếp cận các gói tín dụng để nâng cấp, đóng mới tàu vươn ra khơi xa nhằm phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

Để vốn tín dụng đến được tận tay ngư dân, NHNN cũng kịp thời yêu cầu NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành phố ven biển đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc cho vay của các ngân hàng thương mại trên địa bàn; đồng thời NHNN luôn kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại đã cho ngư dân vay để đóng mới gần 400 con tàu công suất lớn có thể đánh bắt xa bờ dài ngày với số tiền lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Từ tháng 6 năm 2015 đến nay, việc ký kết các hợp đồng tín dụng của ngư dân đã tăng lên đáng kể (số lượng hợp đồng tín dụng được ký kết tăng gấp 5 lần so với thời điểm 30/6/2015). Đến nay, đã có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động.

Tại Hội nghị tiếp tục có 14 hợp đồng tín dụng nữa được ký kết giữa các ngân hàng thương mại và ngư dân để đóng mới thêm 14 con tàu công suất lớn, hiện đại với số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đợt này là trên190 tỷ đồng. Điều này, thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng tiếp tục cam kết đồng hành cùng bà con ngư dân để thực hiện ước mơ đóng mới, nâng cấp những con tàu hiện đại, công suất lớn, đủ sức vươn khơi xa, bám biển, làm kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đánh giá: “Qua hơn 1 năm triển khai có thể khẳng định Nghị định 67 của Chính phủ đối với ngư dân là hết sức “đúng“ và “trúng“, đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc“.

Để việc triển khai Nghị định 67 đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đề nghị các Bộ, ngành, địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp rà soát, tháo gỡ các khó khăn của ngư dân trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong Nghị định 67. Ông cũng chỉ đạo các địa phương nghiên cứu và tổng kết các mô hình tổ đội, hợp tác xã liên kết khai thác trên biển để hướng dẫn ngư dân tham gia; khuyến khích các mô hình liên kết theo tổ, đội khai thác trên biển có sự tham gia của các tàu hậu cần nghề cá, các cơ sở chế biến nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân. „Nghị định 67 là một chương trình, không phải là chính sách nhất thời, mà là chương trình xuyên suốt”- Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh việc hỗ trợ vốn để ngư dân vươn khơi bám biển, ngành Ngân hàng luôn giành sự quan tâm đến đời sống của ngư dân bằng các hoạt động hỗ trợ thiết thực, luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hội tại Quảng Ngãi nói riêng và các tỉnh ven biển nói chung. Giai đoạn 2011 - 2015, ngành Ngân hàng đã tài trợ 5.341 tỷ đồng cho 28 tỉnh ven biển trên toàn quốc đều có hoạt động đánh bắt xa bờ theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó 60 tỷ đồng tài trợ trực tiếp cho ngư dân tại 14 tỉnh ven biển miền Trung nơi chịu ảnh hưởng, thiệt hại nhiều nhất do tác động từ thiên tai.

Tại chương trình này, lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Thống đốc trao tặng tượng trưng máy thông tin liên lạc cho Trưởng ban chỉ đạo 67 của 28 tỉnh ven biển. Số lượng máy tương ứng với tỷ lệ tàu của từng tỉnh, tổng cộng 735 máy, tương đương gần 21 tỷ đồng. Ngoài ra, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi và Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh trao tặng sổ tiết kiệm cho đại diện là mẹ/vợ/con gái của 10 hộ gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Ngãi (nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3)...

Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại đã cho ngư dân vay để đóng mới gần 400 con tàu công suất lớn có thể đánh bắt xa bờ dài ngày với số tiền lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Từ tháng 6 năm 2015 đến nay, việc ký kết các hợp đồng tín dụng của ngư dân đã tăng lên đáng kể (số lượng hợp đồng tín dụng được ký kết tăng gấp 5 lần so với thời điểm 30-6-2015). Đến nay, đã có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO