Đứng yên là bị đào thải

Duy Khang (thực hiện) 13/08/2017 08:30

Công nghệ cũ kỹ, lạc hậu và không theo kịp xu hướng hiện đại đang là những trở ngại khiến doanh nghiệp nội đối diện với nhiều khó khăn trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Phú Cường- Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ (Bộ Công thương) cho rằng, đây là thực tế mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải thẳng thắn nhìn nhận và đối diện để có những bước đi đúng hướng.

Ông Nguyễn Phú Cường.

PV: Thưa ông, đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp nội có bị “ngợp”? Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Phú Cường: Trước hết phải nhấn mạnh rằng, với cuộc cách mạng công nghiệp này, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao…

Vì vậy, để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang lại, theo tôi DN nội cần phải chuẩn bị khá nhiều hành trang. Trước hết cần phải hiểu đúng và đầy đủ về những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, những yêu cầu mà DN cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Từ đó, mỗi DN cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào cuộc cách mạng này.

Để làm cách mạng 4.0, việc mà chúng ta cần làm hiện nay là phải cấu lại nền kinh tế, chiến lược quốc gia, định hướng kinh doanh của các công ty trụ cột của nền kinh tế, nhân lực chất lượng cao…Tuy nhiên, ở Việt Nam khâu nào cũng đều yếu hoặc phát triển “nửa vời”. Theo ông, đây có phải là sự bất lợi cho Việt Nam trước cơn lốc 4.0 hay không?

- Tôi không bi quan như vậy. Nói về hành trang để chuẩn bị cho cuộc cách mạng này, chúng ta có thể phân chia thành 2 cấp độ, thứ nhất là quốc gia, thứ hai là doanh nghiệp. Với DN lại chia ra DN và DN nhỏ và vừa, mỗi cấp độ đó lại có những cách nhìn và có sự tác động khác nhau. Nếu chúng ta nhìn dưới góc độ quốc gia ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã xây dựng rất nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi như thuế, tài trợ các khoản ngân sách cho nghiên cứu ứng dụng…

Về phía DN, họ cũng phải chăn trở, suy nghĩ về tương lai của DN mình. Đơn cử, với những dây truyền sản xuất vừa mua về và phải bỏ ra chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nếu bây giờ thay đổi hoặc điều chỉnh để ứng dụng 4.0 thì sẽ tác động như thế nào? Đây thực sự là vấn đề đau đầu với DN, bởi nếu không đầu tư, điều chỉnh thì bị đào thải, còn điều chỉnh thì lại vô cùng tốn kém. Do đó, tôi cho là, các DN buộc DN phải thông minh và tự tìm lời giải tối ưu nhất từ làn sóng 4.0 này.

Đây cũng là lý do vì sao phải phân ra nhiều cấp độ, từ nhà nước, Chính phủ, DN… tùy theo hoàn cảnh của đất nước mình để đem lại lợi ích tốt nhất, hiệu quả nhất cho nhà nước và DN.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta tạo ra nhận thức và phòng bị về 4.0 là điều rất tốt, nhưng cũng đừng quá kỳ vọng nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi tất cả mọi thứ tại Việt Nam. Theo ông, điều này có đúng?

- Tôi hoàn toàn đồng tình. Và điều này không chỉ đúng với Việt Nam, mà đúng cho tất cả các quốc gia, không phải chỉ đúng riêng cho bất kỳ một DN nào mà hoàn toàn đúng với tất cả các DN. Việc đầu tiên nhìn 4.0 là phải biết đánh giá, nhận định để từ đó chúng ta có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn nhất, điều quan trọng hơn cả là phù hợp với “túi tiền” của một quốc gia cũng như từng DN.

Song, nếu chúng ta quá kỳ vọng mà không phân tích kỹ lưỡng thì sẽ rất nguy hiểm. Đó là sự cảnh báo của riêng đối với một quốc gia nào. Hay nói đúng ra thì, mỗi quốc gia hay từng DN nếu không có sự chuẩn bị tốt mà chỉ ngồi kỳ vọng, chờ đợi thì chắc chắn sẽ chỉ đón nhận thất bại.

Có chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ ứng dụng thành công 4.0, nhưng cũng lo lắng rằng Việt Nam sẽ bị “cuốn” theo các nền kinh tế mà mất thế chủ động. Điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?

- Người Việt Nam có câu nói “gieo gì gặt nấy”, anh muốn có được kết quả tốt thì phải trả giá bằng trí tuệ, bằng sức lao động, phân tích vấn đề một cách khoa học. Còn lo lắng Việt Nam bị cuốn theo các các nền kinh tế, tôi cho rằng với xu thế kinh tế mở, toàn cầu hóa hiện nay, nếu chúng ta tách rời khỏi chuỗi này là điều không thể.

Cho nên các chuyên gia nhìn nhận nhiều khía cạnh về 4.0 là điều rất tốt, bởi vì nếu không nhìn sâu để phân tích mặt thuận lợi và khó khăn thì rất khó hình dung phản ứng của chúng ta trước cơn lốc 4.0 sẽ như thế nào. Nếu chúng ta “lật” được hết các khía cạnh để đánh giá, nhìn nhận thì càng sẽ tạo điều kiện cho thành công cao hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đứng yên là bị đào thải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO