FTAs và lá chắn cho doanh nghiệp

Duy Phương (thực hiện) 17/01/2016 09:35

Theo bà Tôn Nữ Thục Uyên, sự minh bạch hóa sẽ trở thành một lợi thế lớn khi các DN Việt Nam biết cách sử dụng để làm lá chắn cho mình ở thị trường trong nước cũng như quốc tế.

FTAs và lá chắn cho doanh nghiệp

Bà Tôn Nữ Thục Uyên.

Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 10 FTA với các đối tác thương mại và hoàn thành đàm phán 2 FTA (Việt Nam- EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương- TPP). Việc tham gia các FTA mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam khi hàng rào thuế quan được cởi bỏ. Theo bà Tôn Nữ Thục Uyên- Trưởng phòng Thông tin và hỏi đáp, Văn phòng các biện pháp kỹ thuật trong thương mại (TBT) Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam, sự minh bạch hóa sẽ trở thành một lợi thế lớn khi các DN Việt Nam biết cách sử dụng để làm lá chắn cho mình ở thị trường trong nước cũng như quốc tế.

PV: Thưa bà, khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), bao giờ cũng có chương về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Vậy, vai trò và mục đích của việc này là gì?

Bà Tôn Nữ Thục Uyên: Hàng rào kỹ thuật ngày càng trở nên quan trọng và được đưa vào đàm phán ở các FTA, nhất là những FTA thế hệ mới. Hàng rào kỹ thuật bao gồm nhiều loại khác nhau và mỗi hàng rào lại có vai trò nhất định. Mỗi biện pháp kỹ thuật có thể đồng thời phục vụ cho nhiều mục tiêu khác nhau. Việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật trong thương mại có mục đích quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng xấu đến tính mạng và sức khỏe của họ, bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Ngay từ thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một trong các nguyên tắc đưa ra ở WTO chính là công khai, minh bạch hóa hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Và yêu cầu này ngày càng được đưa ra cao hơn trong các FTA thế hệ mới mà chúng ta vừa ký kết, đặc biệt là TPP.

Điển hình như TPP có một chương khá dài về các biện pháp kỹ thuật trong thương mại quy định chi tiết, sâu hơn về các cam kết “Những phụ lục quy định chi tiết từng nhóm hàng cụ thể như dược phẩm, mỹ phẩm, rượu…”. Đây là điều cần thiết khi hội nhập sâu rộng bởi Việt Nam đang thiếu những quy định cho nhóm hàng cụ thể, đặc biệt đây còn là động lực cho Việt Nam thay đổi, nâng cao các tiêu chuẩn đưa ra, tạo sức ép thay đổi theo hướng tốt hơn, văn bản quy phạm minh bạch hơn.

Hoặc như yêu cầu các biện pháp kỹ thuật phải được công bố trên 1 website duy nhất các dự thảo về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn thương mại để các nước thành viên TPP có thể nắm bắt được các thông tin này, để có thể đóng góp được ý kiến cho các dự thảo về tiêu chuẩn kỹ thuật đó, và từ website này, các nước thành viên cũng có thể biết được rằng ý kiến đóng góp của họ đã được tiếp thu thế nào trong văn bản cuối cùng được ban hành.

Theo đánh giá của bà, hiện nay các DN Việt Nam đã tiếp cận được thông tin về các hàng rào kỹ thuật trong các FTAs như thế nào, và hỗ trợ của Nhà nước về vấn đề minh bạch thông tin ra sao?

- Các biện pháp kỹ thuật trong thương mại đang trở thành một “kênh” tối quan trọng khi thương thảo các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, sự minh bạch những thông tin về vấn đề này còn hạn chế, cản trở nhận thức của DN Việt. Lâu nay, để chuẩn bị cho việc cam kết với WTO, chúng tôi đã xây dựng một cổng thông tin dành riêng cho vấn đề này. Trong đó có các trang web, khi “click” chuột vào trang web này, các DN của chúng ta có thể tìm kiếm được tất cả các thông tin liên quan đến các biện pháp về kỹ thuật của các nước thành viên WTO vừa ban hành.

Và sắp tới để thực hiện các cam kết về TPP, chúng tôi cũng sẽ xây dựng một cổng thông tin mà ở trên đó, sẽ thực hiện cam kết về các biện pháp kỹ thuật thương mại ở TPP. Nói rõ ràng hơn, tất cả các biện pháp kỹ thuật của Việt Nam xây dựng sẽ được công bố công khai tại cổng thông tin này để các DN trong nước, các đối tác ở các nước thành viên nắm được thông tin cụ thể, từ đó có thể thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa hàng rào kỹ thuật thương mại ở TPP.

Vậy theo bà, các DN Việt cần phải thực hiện các hình thức minh bạch hóa thông tin trong khuôn khổ hàng rào kỹ thuật thương mại như thế nào, thưa bà?

- Các DN của chúng ta sẽ thực hiện minh bạch hóa thông tin thông qua quy trình thông báo mà chúng ta vẫn đang thực hiện khi gia nhập WTO. Đó là DN phải thông báo cho các nước thành viên WTO biết về dự thảo quy trình kỹ thuật đánh giá sự phù hợp mà có khả năng gây cản trở thương mại quá mức cần thiết, đồng thời cho phép các nước thành viên WTO đóng góp ý kiến về các biện pháp tiêu chuẩn, quy trình này với thời gian ít nhất là 60 ngày.

Chủ yếu việc minh bạch hóa được thực hiện thông qua công tác thông báo các biện pháp kỹ thuật cho các nước thành viên WTO và sau này là các nước thành viên của TPP, vì như chúng ta đã biết, các nước thành viên của TPP cũng là thành viên của WTO.

Nhiều DN cho biết, họ vẫn gặp phải những khó khăn, rào cản trong quá trình minh bạch hóa TBT, bà có thể nói cụ thể những khó khăn, rào cản đó?

- Khó khăn, trở ngại lớn nhất hiện nay đối với các nước thành viên WTO chính là bất đồng ngôn ngữ. Vì như chúng ta đã biết, WTO quy định có 3 ngôn ngữ chính thức để thực hiện giao tiếp giữa các nước thành viên, đó là tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Các thông báo gửi cho Ban thư ký WTO để lưu chuyển đến các thành viên của WTO chỉ được sử dụng 3 ngôn ngữ này. Tuy nhiên, bản dự thảo các biện pháp kỹ thuật về quy trình đánh giá sự phù hợp ở trong các thông báo đó thì lại không yêu cầu bắt buộc sử dụng 3 loại ngôn ngữ trên mà có thể được dùng tiếng bản địa, đó là ngôn ngữ của 160 thành viên WTO.

Ví dụ khi chúng ta xây dựng bản dự thảo về các biện pháp kỹ thuật thương mại, chúng ta sẽ thông báo văn bản đó bằng tiếng Việt. Và WTO có quy định các nước đang phát triển không có nghĩa vụ và trách nhiệm phải dịch các biện pháp kỹ thuật mà nước đó xây dựng sang ngôn ngữ quy định của WTO. Chính vì thế, bạn thử nghĩ, có tới 160 nước thành viên thì sẽ có rất nhiều ngôn ngữ ngoài 3 thứ tiếng đã quy định. Do đóm đây là yếu tố chính gây khó khăn cho các DN khi tiếp cận các văn bản này.

Bà đánh giá thế nào về cách tiếp cận thông tin của các DN Việt Nam hiện nay trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang các nước có ký kết FTA với chúng ta. Theo bà, thời gian tới, Việt Nam nên ưu tiên đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ thông tin nào để các DN Việt Nam có thể hội nhập tốt hơn?

- Các DN Việt Nam hiện nay phần lớn là DN nhỏ và vừa nên việc tìm hiểu thông tin còn hạn chế. Trong quá trình thực hiện việc minh bạch hóa thông tin về các biện pháp kỹ thuật thương mại, chúng tôi sẽ cố gắng chủ động tìm cách tiếp cận gần hơn với DN để cung cấp thông tin cho DN về các vấn đề quy chuẩn kỹ thuật, rào cản… để các DN có thể nắm bắt được sớm nhất thông tin, từ đó họ có đủ thời gian chuẩn bị, đóng góp ý kiến cho các dự thảo về biện pháp kỹ thuật mà đối tác xây dựng. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng DN khi xuất khẩu hàng hóa.

Bởi, việc thông báo cho cộng đồng DN trong nước về các hàng rào kỹ thuật do các nước khác ban hành giống như một biện pháp cảnh báo sớm cho DN khi xuất khẩu hàng hoá. DN phải dựa vào các thông tin này để biết khi xuất khẩu hàng hoá sang thị trường nào đó sẽ phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật như thế nào, để vào thị trường đó một cách dễ dàng.

Do vậy, cộng đồng DN, các hiệp hội ngành hàng cần được trang bị một cách đầy đủ hơn nữa những kiến thức về các biện pháp kỹ thuật thương mại, để lợi ích của họ được bảo vệ một cách đầy đủ nhất, toàn vẹn nhất.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    FTAs và lá chắn cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO