Gia tăng tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động

Hồ Luân 08/11/2017 08:15

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/9, tổng nợ thuế của cả nước gần 74.000 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 27.648 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,4%.

Doanh nghiệp xuất khẩu ngừng hoạt động ngày một gia tăng.

Nợ khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp (DN) giải thể, mất tích, mất năng lực hành vi… lên đến 28.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33%.

Mới đây Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu phối hợp, rà soát lại các hoạt động kinh doanh của DN, bởi có hiện tượng hàng chục nghìn DN xuất nhập khẩu ngưng hoạt động nhưng không khai báo cơ quan quản lý.

Trong 2 năm 2015 – 2016 có 49.000 DN tạm ngưng hoạt động, có 1.000 DN bỏ địa chỉ kinh doanh và không hoạt động trong 6 tháng trở lại đây. Có hơn 15.400 DN không hoạt động xuất nhập khẩu từ 6 tháng trở lên nhưng không thông báo.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, DN nhỏ và vừa khó khăn trong việc xoay vòng vốn để duy trì hoạt động sản xuất là có thật. Thậm chí không ít DN mất khả năng chi trả buộc phải rút khỏi thị trường.

Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều trường hợp thành lập DN nhưng không thực hiện đúng nghĩa vụ, khi bị cơ quan chức năng phát hiện trốn thuế thì âm thầm rời khỏi sân chơi không để lại dấu vết.

Đây chính là một trong những lý do giải thích tại sao tỷ lệ DN “sinh - tử” gần tương đương nhau. Cụ thể, Bộ Tài chính thông tin, cứ 4 DN đăng ký thành lập mới thì có 3 DN đóng cửa, phá sản. Điều này khiến nguồn thu ngân sách từ khu vực DN bị ảnh hưởng.

Rõ ràng, không chỉ DN có vốn đầu tư nước ngoài trốn thuế, DN trong nước cũng thông qua hình thức thành lập các công ty con, công ty thành viên hoặc mua bán hóa đơn khống từ các DN khác.

Ngoài ra, thói quen mua hàng không cần hóa đơn của người tiêu dùng góp phần tiếp tay để DN dễ dàng thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Rất nhiều DN khi bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi trốn thuế, gian lận thuế liền chủ động “cửa đóng then cài”, hoặc thành lập DN mới với tư cách pháp nhân mới.

Thực chất, tình trạng DN đăng ký khai sinh và phớt lờ khai tử không phải là câu chuyện mới. Cơ quan quản lý đã lên tiếng và cảnh báo nhiều lần về việc DN trốn thuế, thế nhưng tình trạng trên vẫn không thuyên giảm.

Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống văn bản pháp luật chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tế. Công cụ thực thi và kiểm soát của cơ quan nhà nước còn hạn chế tạo ra môi trường đầu tư thiếu công bằng dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh, ổn định vẫn đang cấp bách.

Ngành thuế phải phối hợp với các cơ quan liên ngành giám sát và xử lý vi phạm, đặc biệt xử lý nghiêm cán bộ giúp đỡ DN trốn thuế, gian lận thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO